Một độc giả nữ, 22 tuổi cho biết, cô tích cóp được 70 triệu đồng và mang ra ngân hàng gửi. Do lần đầu gửi tiền tiết kiệm nên khi nữ nhân viên ngân hàng chào mời gói gửi tiết kiệm có tặng kèm bảo hiểm, sau 2 năm sẽ được rút cả vốn lẫn lãi, cô đã đồng ý tham gia.
Sau gần 1 năm, khách hàng lại nhận được cuộc gọi để chào mời gửi thêm 70 triệu đồng nữa và sau đó vài tháng nhận được cuộc gọi nhắc đóng phí thì mới “ngã ngửa” đây là gói bảo hiểm, chứ không phải gói tiết kiệm như đã nghĩ. Hiện khách hàng đã thuê luật sư và gửi đơn khiếu nại lên Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.
Tương tự, một độc giả khác cũng phản ánh suýt “mua nhầm” gói bảo hiểm 400 triệu đồng khi đi gửi tiết kiệm. Theo khách hàng này, khi đến ngân hàng gửi tiết kiệm, người này được nghe nhân viên giao dịch “hứa tặng bảo hiểm nhân thọ miễn phí nên nhận”.
Khi khách hàng này khoe với người nhà làm ở công ty bảo hiểm rằng mình được tặng sản phẩm bảo hiểm thì mới vỡ lẽ ra rằng mình đang tham gia bảo hiểm và chỉ được miễn phí năm đầu (năm sau tự đóng), chứ không phải gửi tiền ngân hàng như đã nghĩ.
“May mà vẫn trong thời hạn 21 ngày cân nhắc nên lấy lại được tiền”, người này nói.
Câu chuyện “phím”, “ép” mua bảo hiểm qua ngân hàng từng được đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm hồi tháng 5/2022.
Nguyên nhân chính của tình trạng này được phân tích là do áp lực doanh số đổ dồn lên nhân viên ngân hàng, nên một số người đã tìm cách bán bảo hiểm bằng mọi giá. Một phần bởi khách hàng còn chưa đủ kiến thức để hiểu, để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Có ý kiến đề nghị xem xét, thắt chặt việc cấp phép hoạt động cho các tư vấn viên bảo hiểm của các công ty bảo hiểm; đồng thời có quy định chặt chẽ hơn đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, tránh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay hay đánh tráo khái niệm “gửi tiết kiệm” và “tham gia bảo hiểm”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy hiện các doanh nghiệp bảo hiểm có xu hướng mở rộng hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh tổ chức tín dụng. Mặc dù các tổ chức tín dụng đã có những biện pháp, quy định chấn chỉnh (cụ thể Dự thảo Luật lúc đó đã bổ sung điều kiện đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm; giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện về nhân sự, ký quỹ và các điều kiện khác; bổ sung quy định để tăng cường giám sát đối với các tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm) nhưng hiện nay tình trạng khách hàng vay vốn bị ép mua bảo hiểm nhân thọ vẫn tiếp tục diễn ra.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để hạn chế tình trạng này, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, ngày 16/6 vừa qua, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã thông qua việc cấm đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm (khoản 5, Điều 9) và quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm (khoản 3, Điều 127).
Trên cơ sở quy định của Luật, các văn bản hướng dẫn như Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ bổ sung các chế tài trong trường hợp đại lý vi phạm các quy định tại Luật. Đồng thời, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và có chế tài xử phạt đối với các đại lý là tổ chức tín dụng vi phạm, kết hợp với việc tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được quyền của mình khi tham gia hợp đồng bảo hiểm; các nhân viên của tổ chức đại lý bảo hiểm hiểu đúng nghĩa vụ của hoạt động đại lý và tuân thủ đúng quy định pháp luật.