Chưa cân đối được nguồn để xây dựng luồng hàng hải Đà Nẵng vào bến cảng Tiên Sa

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ riêng luồng hàng hải Đà Nẵng mà nhiều công trình hàng hải quan trọng khác cũng chưa cân đối được nguồn vốn để đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025.
Tổng mức đầu tư cho công tác duy tu, nạo vét các tuyến luồng hàng hải vào năm 2022 là khoảng hơn 1.935 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư cho công tác duy tu, nạo vét các tuyến luồng hàng hải vào năm 2022 là khoảng hơn 1.935 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Cục Hàng hải Việt Nam và Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng liên quan đến đề xuất đầu tư xây dựng luồng hàng hải Đà Nẵng vào Khu bến cảng Tiên Sa.

Theo Bộ GTVT, tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Tiên Sa được quy hoạch sau năm 2030 sẽ từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư khai thác khu bến cảng Liên Chiểu.

Theo điều khoản chuyển tiếp tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 nêu trên, Quy hoạch chi tiết cảng biển Đà Nẵng tiếp tục thực hiện theo Quyết định số số 2369/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ GTVT.

Cụ thể, định hướng quy hoạch nâng cấp luồng Đà Nẵng vào bến cảng Tiên Sa cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn phù hợp tiến trình phát triển các bến cảng và lưu lượng tàu cập bến trong thời gian tới (giảm dần lượng hàng để chuyển thông qua khu bến Liên Chiểu, chuyển đổi công năng thành cảng du lịch đến năm 2030).

Hiện nay Khu bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 25/3/2021, UBND TP. Đà Nẵng đang triển khai thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách còn hạn chế nên trước mắt Chính phủ ưu tiên nguồn lực để đầu tư nâng cấp các công trình giao thông trọng yếu. Đối với lĩnh vực hàng hải, nguồn vốn Bộ GTVT được bố trí giai đoạn 2021-2025 chỉ đủ tiếp tục thực hiện, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, đầu tư một số các dự án mang tính động lực, cấp bách như dự án Luồng vào khu bến cảng Cái Mép, Luồng vào khu bến Nam Nghi Sơn, Luồng vào khu bến cảng Thọ Quang.

Do vậy, nhiều công trình hàng hải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương như dự án đầu tư nâng cấp luồng hàng hải Đà Nẵng vào khu bến cảng Tiên Sa chưa cân đối được nguồn vốn để đầu tư trong giai đoạn trung hạn này.

Bộ GTVT cho biết là tuyến luồng hàng hải Đà Nẵng hàng năm đều được Bộ GTVT đưa vào danh mục kế hoạch nạo vét duy tu hàng năm. Tuy nhiên, do chưa có vị trí đổ đất nạo vét nên việc duy tu luồng đến nay chưa thực hiện được.

Tại Quyết định số 2230/QĐ-BGTVT ngày 27/12/2021 của Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải năm 2022, tuyến luồng hàng hải Đà Nẵng được bố trí khoảng 40,5 tỷ đồng để nạo vét duy tu, hiện đang triển khai các thủ tục về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định.

Đối với vấn đề này, Bộ GTVT đề nghị Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng thời, để tận dụng kết cấu hạ tầng cảng biển, đảm bảo nhu cầu thông qua hàng hóa, Công ty cổ phần cảng Đà Nẵng cần xây dựng phương án tổ chức giao thông hàng hải hợp lý, khai thác tàu có thông số kỹ thuật phù hợp với vũng quay trở, luồng tàu hiện hữu và kết cấu công trình bến cảng, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục duy tu tuyến luồng hàng hải Đà Nẵng theo quy định của pháp luật; giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn công tác tổ chức thực hiện quy hoạch và khai thác cảng biển tại khu vực nói chung và Khu bến cảng Tiên Sa nói riêng, đảm bảo nhu cầu thông qua hàng hóa, nâng cao hiệu quả đầu tư; đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.

Tin bài liên quan