Chủ tịch Thủy sản Minh Phú: “Chúng tôi vẫn đang đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược“

Chủ tịch Thủy sản Minh Phú: “Chúng tôi vẫn đang đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược“

(ĐTCK) “Chúng tôi vẫn đang đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược, đang rà soát, chưa chốt lại. Chúng tôi kỳ vọng sẽ chốt lại với nhà đầu tư ngay trước kỳ họp ĐHCĐ bất thường, nhưng chưa biết có kịp hay không vì họ hỏi nhiều câu cũng khó”.

Nội dung trên được ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) chia sẻ với chuyên viên phân tích tại cuộc gặp ngày 17/1.

Bên cạnh đó, ông Quang cho biết thêm, Công ty xây dựng kế hoạch dựa trên dự báo giá tôm xuất khẩu có thể tăng, do thị trường Ấn Độ năm ngoái đã bán phá giá khiến giá tôm giảm mạnh.

Tuy nhiên, nếu phục hồi cũng không nhiều quá vì giá tôm nuôi ở Việt Nam thấp hơn Ấn Độ 20-30%. Để đẩy mạnh sản lượng thì Việt Nam cũng không thể bán lời nhiều quá. Vì thế giá tôm 2019 nhiều khả năng sẽ ổn định.

Năm 2019, MPC đặt kế hoạch tổng sản lượng chế biến xuất khẩu là 77.400 tấn giá trị 850 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng và nuôi tôm công nghệ 234 số lượng 554 ao với sản lượng 11.080 tấn, lợi nhuận trước thuế khoảng 300 tỷ đồng. Tổng cộng, cả năm, Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.300 tỷ đồng.

Minh Phú tính toán kế hoạch kinh doanh trên cơ sở dự báo sản lượng tăng trưởng 14,67% nhờ tối đa hóa công suất trong tất cả các ngày. Kế hoạch này không dựa trên việc mua bán sáp nhập các nhà máy có thể thực hiện nếu các nhà đầu tư chiến lược thông qua sau khi quyết định đầu tư vào MPC.

Theo MPC, năm 2018, thị trường xuất khẩu châu Âu lớn nhất, nhưng khách hàng yêu cầu tỷ lệ mạ băng cao nên MPC không xuất nhiều. Minh Phú chủ yếu làm thị trường Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường minh bạch nhất. MPC chỉ làm tỷ lệ mạ băng tối đa là 20%.

Với thị trường Nhật Bản chủ yếu nhập hàng giá trị gia tăng đòi hỏi nhiều nhân công và diện tích nhà xưởng nên khó tăng công suất. Với thị trường Mỹ, MPC không thuộc diện áp dụng thuế phá giá.

Tháng 12/2018, Mỹ bắt đầu thực hiện làm hồ sơ truy suất nguồn gốc hàng hóa khắt khe và phải có công ty bên Mỹ được nhập khẩu vào Mỹ. MPC có công ty con tại Mỹ và thực hiện các phần mềm đáp ứng yêu cầu của Mỹ nên đã xuất khẩu mạnh vào Mỹ.

Vì thế thuế và rào cản truy xuất nguồn gốc với các nhà sản xuất khác là lợi thế của MPC trong xuất khẩu vào Mỹ, kỳ vọng sẽ xuất được giá tốt hơn trong năm 2019.

Trên sàn chứng khoán, sau 4 phiên liên tiếp khởi sắc, cổ phiếu MPC quay đầu điều chỉnh với mức giảm 1,4% và đóng cửa phiên 17/1 tại mức giá 41.800 đồng/CP.

Sáng 29/1 tới đây, MPC sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua nhà đầu tư mua cổ phần phát hành riêng lẻ và một số nội dung khác.

Theo đó, MPC dự kiến phát hành riêng lẻ 75,72 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư đủ tiêu chí. Giá chào bán ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT đàm phán quyết định nhưng không thấp hơn giá đóng cửa bình quân 10 phiên liên tiếp ngay trước thời điểm nộp hồ sơ. Dự kiến sau phát hành Thủy sản Minh Phú sẽ tăng vốn điều lệ lên 2.157,2 tỷ đồng.

Tin bài liên quan