Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, có nhân viên của Tập đoàn T&T dương tính với virus. Dù tích cực ủng hộ cuộc chiến chống Covid-19 từ khi dịch bệnh mới xuất hiện, hệ sinh thái T&T và SHB đã chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với việc xuất hiện ca bệnh trong nhân viên, nhưng cảm giác của người trong cuộc chắc hẳn phải rất khác, thưa ông?
Trước đây, chúng tôi cũng nhận thức được nguy hiểm và nỗi vất vả, khó khăn khi dịch bệnh xảy ra, cũng hiểu, lo lắng cho sức khỏe, tâm lý, thiệt hại của người dân, doanh nghiệp và luôn trân trọng, xúc động trước sự hy sinh quên mình của các chiến sỹ áo trắng, lực lượng công an quân đội trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19.
Nhưng khi văn phòng Tập đoàn T&T có nhân viên dương tính với Covid-19, bản thân tôi trở thành F2, phải cách ly tại nhà thì tôi càng thấm thía hơn những lo lắng, căng thẳng cũng như thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra, với mức độ gấp 3 - 5 lần so với mình đã lên kịch bản.
Điều này càng thôi thúc chúng tôi đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19, đóng góp cho Quỹ vắc-xin ngừa Covid-19, tham gia sản xuất cung ứng trang thiết bị phòng chống dịch bệnh.
Tập đoàn T&T cũng rất quan tâm và quyết tâm tìm kiếm nguồn vắc-xin. Chúng tôi đã chủ động liên hệ với các đối tác cung cấp vắc-xin với mong muốn nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin ở Việt Nam.
Điều này nếu thực hiện được sẽ góp phần hỗ trợ đất nước có nguồn vắc-xin chủ động, bền vững, với chất lượng cao, phục vụ người dân, đảm bảo sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Cũng từ việc này, chúng tôi càng quan tâm và thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân. Chúng tôi đang liên hệ với các đối tác ở các quốc gia có nền công nghiệp dược phẩm phát triển, sản xuất thuốc đặc trị công nghệ cao trên thế giới để hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Một năm trước, khi nền kinh tế đang oằn lưng chống nguy cơ suy thoái kinh tế do ảnh hưởng từ dịch bệnh, ông có chia sẻ rằng, các doanh nghiệp dẫn đầu ít có tâm lý co cụm, mà nỗ lực đi ngược sóng, tìm cơ trong nguy để đóng góp cho nền kinh tế. Ông nghĩ sao về tinh thần dân tộc của doanh nghiệp?
Qua những giai đoạn khó khăn như vừa qua, tinh thần đoàn kết của người Việt Nam nói chung, của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng càng được khẳng định.
Tất nhiên, đã là doanh nghiệp thì luôn phải nghĩ đến lợi nhuận, đến việc đảm bảo thu nhập cho nhân viên, nhưng chúng tôi luôn suy nghĩ rằng, doanh nghiệp có được như ngày nay là nhờ dân tộc mình, đồng bào mình ủng hộ thì luôn phải có nghĩa vụ, trách nhiệm cùng đóng góp, đem lại sự an vui cho dân tộc mình, đồng bào mình.
Thực tế cho thấy, trong đại dịch vẫn có những nhóm ngành, doanh nghiệp tìm được cơ hội và có cơ hội để vươn lên và mở rộng sản xuất - kinh doanh. SHB là một địa chỉ nhiều doanh nghiệp cần vốn tìm đến, ông nghĩ sao về cơ hội của đất nước lúc này?
Khi đồng vốn được bơm cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, xuất khẩu sẽ tạo ra giá trị, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và không tạo ra lạm phát.
Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp, nếu ở lĩnh vực du lịch, khách sạn và một số lĩnh vực khác thì gặp khó khăn. Nhưng các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, thương mại, xuất khẩu hay lĩnh vực đầu tư năng lượng, môi trường, bất động sản... vẫn có cơ hội mở rộng đầu tư, sản xuất, có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Đặc biệt, tỷ lệ về vốn trong lĩnh vực du lịch, vận tải có tỷ trọng tương đối thấp so với các ngành có triển vọng phát triển nói trên. Cụ thể, nhu cầu chuỗi cung ứng nông sản, nông nghiệp, công nghiệp, bất động sản chiếm tỷ trọng lớn và có cơ hội tăng trưởng.
Dịch bệnh tạo ra những khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng với những ngành có cơ hội tăng trưởng, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, đảm bảo mục tiêu kép về phòng chống dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế, lúc này, cần được tăng cường nguồn vốn.
Chúng tôi tin Ngân hàng Nhà nước đang và sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng, thông qua các ngân hàng thương mại để cung ứng vốn cho các doanh nghiệp có nhu cầu thực sự.
Có thể lấy một ví dụ để thấy SHB đã bản lĩnh để đón đầu cơ hội, tiếp sức cho các doanh nghiệp trong vai trò cung ứng vốn ở thời điểm dịch bệnh hoành hành năm qua ra sao?
Thời gian qua, SHB đã bẻ lái tín dụng với việc dành một tỷ trọng lớn hơn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất sạch. Phát triển năng lượng xanh, tín dụng xanh đang là ưu tiên của các nước trên thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ. Rất nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng sạch, gồm điện mặt trời, điện gió, điện khí đã và sẽ được triển khai thực hiện ở trong nước.
Chúng tôi đã nắm bắt cơ hội, cung ứng vốn, ưu tiên cho năng lượng tái tạo, năng lượng sạch nhằm đóng góp một phần vào an ninh năng lượng quốc gia, cho nền kinh tế. Thực tế cho thấy, hiệu quả của các dự án năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động là rất tốt.
Có lẽ cùng là các doanh nghiệp luôn đau đáu với việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở mang sản xuất, kinh doanh, ông thấu hiểu trợ lực vốn quan trọng với doanh nghiệp, cả các doanh nghiệp mạnh lúc này hơn bao giờ hết?
Trong thời kỳ dịch bệnh ảnh hưởng đến nền kinh tế còn phức tạp như hiện nay, trong bối cảnh vừa phòng chống dịch bệnh vừa chuyển sang tấn công như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước có các phân tích, nghiên cứu để ban hành chính sách phù hợp, mạnh mẽ hơn.
"Là người làm thực tế, tôi hiểu rõ cầu vốn của doanh nghiệp đến đâu". |
Trong các lĩnh vực khó khăn, cần chính sách cụ thể, hỗ trợ sâu hơn như khoanh nợ, giãn nợ. Còn doanh nghiệp có điều kiện phát triển, có nhu cầu lớn từ nền kinh tế, nên được mở rộng tăng trưởng tín dụng, như vậy vừa giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất, đồng thời thúc đẩy, đem lại cơ hội cho các ngành nghề, doanh nghiệp mà thị trường đang thực sự cần.
Để sau khi dịch bệnh suy giảm, cả hai mảng này đều có đòn bẩy như lò xo bị nén lâu ngày sẽ bật lên, thúc đẩy cả nền kinh tế. Chuỗi cung ứng toàn cầu mà các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực tham gia sẽ luôn luôn được duy trì.
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng và đang đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho nới rộng hơn. Cũng có những ý kiến tỏ ra e ngại việc này và cho rằng, trong dịch bệnh, cầu vốn của doanh nghiệp có lớn đâu mà nới trần tín dụng. Quan điểm của ông ra sao?
Là người làm thực tế, tôi hiểu rõ cầu vốn của doanh nghiệp đến đâu. Tôi mong sẽ có những phân tích thấu đáo về vấn đề này để chúng ta không bỏ lỡ cơ hội. Trong nguy có cơ, dịch bệnh bùng phát ở khu vực và thế giới nên có những ngành như dệt may, thủy sản… của Việt Nam lại tăng sức cạnh tranh do đối thủ ở các quốc gia khác chịu ảnh hưởng nặng nề phải ngừng sản xuất.
Đây là thời cơ, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Khi đồng vốn được bơm cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, xuất khẩu sẽ tạo ra giá trị, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và không tạo ra lạm phát.
Mới đây, tôi có đọc một bài báo Mỹ phản ánh các ngân hàng lớn tại Mỹ đang dư thừa vốn, kêu gọi doanh nghiệp, người dân đừng gửi vốn vào ngân hàng lớn mà hãy đẩy sang các ngân hàng nhỏ. Họ không cho vay được, dù chỉ trả lãi 0,5%/năm.
Nhìn lại trong nước, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực, người lao động chịu thương chịu khó, có cơ hội phát triển, mở mang sản xuất xuất khẩu ra thị trường hoàn cầu, đang rất cần được khuyến khích, được hỗ trợ vốn.
Doanh nghiệp lớn mạnh, nền kinh tế sẽ tự cường.