Ông Nguyễn Văn Kha
Những con số tổng kết của cơ quan quản lý ngành và các công ty tư vấn đều đưa ra bức tranh rất lạc quan đối với thị trường bất động sản. Còn ông có nhận xét gì về thị trường năm qua?
Tôi cũng nhìn nhận rằng, thị trường khởi sắc trong năm 2015. Trước đó, trong suốt 3 năm, là quãng thời gian dài thị trường chìm sâu trong ảm đạm, nay niềm tin của người tiêu dùng được củng cố, người ta tin vào triển vọng của nền kinh tế nên sẵn sàng bỏ tiền ra mua bất động sản. Cũng bởi có niềm tin như vậy mà trên thực tế không phải ai cũng có đủ tiền để mua nhà, nhưng khách hàng sẵn sàng vay tiền để mua bất động sản.
Như vậy, có thể thấy rõ yếu tố tâm lý của người tiêu dùng đã được cải thiện rất nhiều. So với năm 2011, tức là thời điểm trước khi xảy ra cơn suy thoái của bất động sản, thậm chí mức giá tại nhiều dự án hiện nay còn cao hơn, nhưng người tiêu dùng vẫn không chần chừ trong mua bán, điều đó chứng tỏ có tác động từ yếu tố tâm lý khá nhiều.
Tuy nhiên, thị trường có một đặc điểm khác trước, đó là tính chuyên nghiệp. Trước đây, người ta làm bất động sản và mua bán bất động sản theo phong trào, nhưng giờ cả bên bán và mua đều tỉnh táo, thông thái hơn rất nhiều. Bằng chứng là giao dịch tại các dự án có vị trí thuộc các khu vực xa chưa nhộn nhịp và khởi sắc như các dự án nội đô.
Vậy năm 2016 có nên đặt kỳ vọng lớn vào kênh bất động sản, trong mối tương quan với các kênh đầu tư khác, thưa ông?
Nếu không có sự tác động nào quá bất ngờ thì thị trường bất động sản 2016 sẽ vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực như năm 2015. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay chúng ta đã chứng kiến nhiều biến động trên thị trường tài chính thế giới. Sự biến động của tỷ giá, giá vàng, giá dầu sẽ có sự tác động không nhỏ lên thị trường bất động sản.
Do vậy, nếu coi bất động sản là một kênh đầu tư, người mua sẽ phải tính toán đến nhiều yếu tố. Còn nếu mua nhà để ở thì việc lựa chọn vị trí dự án, chủ đầu tư và giá nhà vẫn luôn là những yếu tố cần cân nhắc.
Có một điều rất rõ rằng, cạnh tranh trên thị trường sẽ khốc liệt hơn. Lượng cung giá cao đang rất lớn nên người tiêu dùng cần thận trọng cân nhắc, có thể cuối năm 2016 đầu năm 2017, thị trường sẽ đảo chiều. vì đó cũng là thời điểm nhiều khoản vay vào năm 2014 - 2015 đáo hạn.
Ông đề cập đến giá bất động sản tại nhiều dự án hiện cao hơn cả đỉnh cơn sốt trước, vậy có phải các doanh nghiệp bất động sản đều đắc lợi?
Thị trường khởi sắc. song nếu tính toán không kỹ doanh nghiệp vẫn lỗ như chơi vì nhiều lý do. Đơn cử, hiện thuế sử dụng đất được Nhà nước tính toán rất kỹ, dựa theo giá thị trường và lợi nhuận định mức chỉ có 10 - 15%. Một dự án chúng tôi thực hiện mới đây, xin nâng thêm một số tầng (những tầng theo thiết kế cũ DN đã nộp tiền sử dụng đất từ vài năm trước - PV), riêng những tầng này DN phải nộp thêm 157 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
Với cục diện thị trường hiện nay, thực sự các DN quy mô nhỏ sẽ ngày càng yếu thế vì thực hiện một dự án nhỏ, DN cũng bỏ ra từng đó thời gian và từng đó công sức để hoàn tất rất nhiều thủ tục với nhiều chi phí tốn kém. Bởi vậy, quan niệm rằng, đầu tư bất động sản ai vào cũng thắng như trước kia là rất sai lầm.
Trong bối cảnh chứng khoán thua thiệt, ngoại tệ chịu tác động của nhiều chính sách thay đổi của Ngân hàng Nhà nước, vàng sụt giá, vốn của người dân chảy nhiều vào bất động sản. Tuy nhiên, là một DN định hướng phát triển bền vững, tôi vẫn mong vốn của xã hội sẽ chảy mạnh vào sản xuất hàng hóa, chứ không tập trung vào bất động sản. Nền kinh tế có vững, người dân gia tăng thu nhập theo số đông, thị trường bất động sản mới phát triển bền vững được.
Gần đây cải cách thể chế đã được các nhà quản lý thực hiện mạnh mẽ và đưa ra thông điệp tiếp tục tập trung cho lĩnh vực này trong năm 2016. Với bất động sản, DN có mong ước gì?
Tôi thấy thông điệp của nhà quản lý đưa ra là nỗ lực để tạo thuận lợi cho DN và cải cách thể chế. Trong lĩnh vực bất động sản, đây là việc DN vô cùng kỳ vọng và mong muốn. Lâu nay, chúng ta vẫn nói, thực hiện cơ chế 1 cửa cho DN, song với bất động sản, dường như chưa thực hiện được.
Một dự án của DN phải trải qua nhiều thủ tục, nhiều quy trình, nhiều khâu xin cấp phép, liên quan đến nhiều cơ quan bộ ngành, làm sao để đơn giản hóa các thủ tục, có những quy định cụ thể để bớt cửa, bớt khóa cho DN. Nếu có các cơ quan đứng ra giải quyết, chịu trách nhiệm ở từng khâu cho DN và Nhà nước quy định cụ thể các mức phí phải nộp, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận.
DN cũng mong cơ quan quản lý có sự rà soát thường xuyên, loại bỏ những thủ tục mang tính hình thức gây tốn kém cho DN mà cơ quan quản lý cũng thêm vất vả. Được như vậy, hiệu quả hoạt động của DN sẽ được cải thiện rất nhiều.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com