Các bị cáo trong vụ án này gồm Nguyễn Văn Cung (SN 1977, trú tại Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Quốc tế; Nguyễn Văn Tân (SN 1971, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) nguyên Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Quốc tế; Hà Văn Trung (SN 1972), cán bộ địa chính xã Dục Tú (Đông Anh); Nguyễn Thế Quýnh (SN 1954) là Trưởng thôn Thái Bình, xã Mai Lâm (Đông Anh); Nguyễn Thị Minh Tuấn (SN 1973) nhân viên trạm y tế xã Mai Lâm (Đông Anh).
Theo hồ sơ vụ án, thửa đất 504 m2 thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Nguyễn Thị Bân, còn thửa đất 90 m2 là do bà Bân lấn chiếm sử dụng sau ngày 15/10/1993. Hai thửa đất này đều chưa được cấp sổ đỏ và được mua bán trao tay nhiều lần. Đến năm 2003, ông Lưu Văn Thiệm (Yên Hòa, Cầu Giấy) và ông Nguyễn Trường Giang (Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm) đã mua lại mảnh đất này.
Tháng 10/2006, Nguyễn Thị Minh Tuấn thỏa thuận mua hai mảnh đất nói trên với giá 3 triệu đồng/m2 và đặt cọc 100 triệu đồng cho ông Thiệm và ông Giang. Sau đó, Tuấn bán lại cho Nguyễn Văn Cung với giá 3,7 triệu đồng/m2 với điều kiện Tuấn có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, Cung cũng chỉ là môi giới và phải tìm khách để bán hai mảnh đất này.
Đến khi Cung tìm được khách mua lại, Tuấn mời ông Thiệm, ông Giang đến nhà Nguyễn Thế Quýnh là Trưởng thôn Thái Bình, để ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng ký xong, Cung lại không có tiền thanh toán, nên ông Thiệm, ông Giang quyết định không bán đất và giữ tiền đặt cọc để phạt vi phạm hợp đồng.
Dù việc mua bán không thành, nhưng sau đó Tuấn và Cung vẫn nhờ Hà Văn Trung, cán bộ địa chính xã Mai Lâm và Nguyễn Thế Quýnh, trưởng thôn Thái Bình, làm giả hồ sơ xin cấp sổ đỏ.
Khi phát hiện việc làm sổ đỏ, tháng 6/2010, ông Thiệm và ông Giang có đơn trình báo công an về việc 2 thửa đất diện tích 504 m2 và 90 m2 ở thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội thuộc quyền sử dụng của họ, bị chiếm dụng và làm sổ đỏ mang tên người khác.
Cơ quan điều tra đã làm rõ, sau khi làm xong 3 quyển sổ đỏ, Nguyễn Văn Cung thông báo cho các “khách hàng” của mình đến UBND huyện Đông Anh nhận sổ đỏ.
Ngoài ra, Cung với chức danh Chủ tịch HĐQT CTCP XNK Quốc tế còn chỉ đạo Nguyễn Văn Tân, chức danh Tổng giám đốc Công ty lập các thủ tục hồ sơ thế chấp sổ đỏ cho Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Yên Viên để vay thêm vốn. Tổng số tiền CTCP XNK Quốc tế vay của Agribank - Chi nhánh Yên Viên là 7,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do CTCP XNK Quốc tế không có hoạt động, số tiền vay ngân hàng Cung và Tân đã sử dụng vào việc riêng nên không có khả năng trả nợ.
Để thu hồi nợ, Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Yên Viên quyết định bán đấu giá tài sản thế chấp, Cung và Tân xin được tự bán và đem lừa bán cho 2 cá nhân khác lấy 701 triệu đồng để trả cho Ngân hàng. Khi làm thủ tục sang tên sổ đỏ, đã bị Phòng Tài nguyên và Môi trường Đông Anh phát hiện sổ giả nên thu giữ.
Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã truy tố Cung, Tân với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một số cá nhân khác bị truy tố tội giả mạo trong công tác.
Sau một ngày xét xử, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Văn Cung 12 năm tù giam, Nguyễn Văn Tân 7 năm tù giam, Hà Văn Trung 3 năm tù giam, Nguyễn Thế Quýnh 30 tháng án treo, Nguyễn Thị Minh Tuấn 4 năm tù giam.