“Quả đắng” môi giới
Số lượng doanh nghiệp môi giới mới tăng mạnh thời gian gần đây là một trong những dấu hiệu cho thấy thị trường địa ốc đang phát triển. Vai trò của doanh nghiệp môi giới là giúp các chủ đầu tư bán hàng hiệu quả hơn, nhưng trên thực tế, nhiều chủ đầu tư đã phải nhận “quả đắng” từ chính các doanh nghiệp môi giới này.
Ông T.Đ.V, Tổng giám đốc một công ty địa ốc lớn tại Long An kể lại, khi chuẩn bị chào bán dự án mới, Công ty hợp tác với một doanh nghiệp môi giới địa ốc. Sau đó, doanh nghiệp này đã tự ý “thổi” dự án lên bằng những thông tin không chính xác nhằm “hút” khách. Thậm chí, đội ngũ môi giới này còn tự ý tăng giá bán và ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng.
“Cuối cùng, chúng tôi phải hủy hợp đồng với công ty môi giới đó. Hậu quả để lại không chỉ là khoản thiệt hại lên tới hơn 4 tỷ đồng, mà uy tín của Công ty còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông T.Đ.V nói.
Hiện nay, do thiếu vốn, thiếu đơn vị bán hàng, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã chọn giải pháp bán sỉ hoặc để các công ty môi giới làm đại lý chính thức (F1). Với cách làm này, chủ đầu tư sẽ có ngay một khoản tiền lớn từ việc ký quỹ hoặc mua sỉ của công ty môi giới. Sau đó, công ty môi giới sẽ bán hàng, thu tiền theo tiến độ cho doanh nghiệp.
6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 2.600 doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới, chiếm 5% tổng số doanh nghiệp, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, các doanh nghiệp này đa phần đăng ký hoạt động trong lĩnh vực môi giới.
Các công ty môi giới đa phần là công ty nhỏ, vốn ít, lại phải chịu áp lực bán hàng rất cao. Ví dụ, nếu không bán được hàng theo tiến độ cam kết, sẽ mất tiền ký quỹ. Áp lực đó là một phần lý do khiến nhiều công ty môi giới làm liều để bán hàng bằng mọi cách.
Thậm chí, đã có những doanh nghiệp môi giới địa ốc bị công an vào cuộc điều tra. Đơn cử, năm 2017, Công ty Cổ phần Bất động sản Đất Xanh Miền Nam giao cho 2 công ty môi giới là Kim Phát và Việt Hưng Phát bán dự án đất nền tại tỉnh Đồng Nai. Song sau đó, hàng trăm khách hàng đã tố cáo với cơ quan công an về việc hai doanh nghiệp môi giới này lừa đảo, bán giá cao hơn giá chủ đầu tư đưa ra, thậm chí còn nhận mình là chủ đầu tư dự án.
Tập đoàn Hà Đô cũng rơi vào tình huống tương tự. Cuối năm 2017, Hà Đô ký hợp đồng với công ty môi giới để bán sản phẩm của dự án tại TP.HCM. Công ty này tiếp tục giao cho một công ty môi giới khác (đại lý F2) để cùng bán. Phía Hà Đô đã thanh toán đầy đủ hoa hồng cho đại lý F1, nhưng đơn vị này lại không trả hoa hồng cho đại lý F2. Đại đại lý F2 này liền tố cáo chủ đầu tư không chi trả hoa hồng, khiến uy tín của Hà Đô ít nhiều bị ảnh hưởng.
Cảnh báo từ sự bùng phát công ty môi giới
Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, hiện nay, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp khá đơn giản, nên chỉ trong thời gian ngắn, đã có hàng ngàn doanh nghiệp môi giới được thành lập.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding, một công ty môi giới thành lập năm 2015 cho biết, việc “nở rộ” doanh nghiệp môi giới địa ốc đang tạo ra áp lực cạnh tranh lớn.
Các doanh nghiệp môi giới quy mô nhỏ thường hoạt động theo hình thức bán sản phẩm cho các doanh nghiệp môi giới địa ốc lớn. Những mối lợi doanh thu, cộng với áp lực cạnh tranh, bán hàng, gánh nặng chi phí thuê mặt bằng, trả lương nhân viên… khiến không ít công ty môi giới không ngại dùng “chiêu trò”, thậm chí bất chấp các quy định của pháp luật. Hậu quả, chủ đầu tư và khách hàng phải chịu thiệt hại.
“Trước tình trạng doanh nghiệp môi giới địa ốc đang bùng phát hiện nay, các cơ quan chức năng cần có chế tài quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và khách hàng cần hết sức tỉnh táo trong việc lựa chọn môi giới, để có thể hạn chế tối đa thiệt hại”, ông Hậu nhấn mạnh.