Đấu giá, tối đa hóa lợi ích Nhà nước
Với việc bán vốn nhà nước tại Vinamilk và các doanh nghiệp khác mà SCIC làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán. Các bộ ngành, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp giám sát chặt chẽ SCIC, tìm kiếm cơ hội tốt nhất để bán được với giá cao nhất, chống thất thoát vốn nhà nước, nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Với việc bán vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, Thủ tướng chỉ rõ, để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho nhà nước, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước. Ngay cả việc định giá cổ phần cũng phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn nhà nước. Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương trên cơ sở các quy định hiện hành, các ý kiến bộ, ngành, các ý kiến của Thường trực Chính phủ, xây dựng phương án bán tiếp cổ phần tại Habeco, Sabeco, bảo đảm hiệu quả cao nhất, từ đó rút bài học kinh nghiệm cho việc bán vốn tại các doanh nghiệp khác. Thủ tướng cũng giao Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp giám sát quá trình này.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng chỉ rõ, khi bán cổ phần tại các doanh nghiệp này, phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài. Phân tích kỹ có thể thấy, đây là chỉ đạo mang tính quan trọng bởi theo các quy định hiện hành, thoái vốn của doanh nghiệp niêm yết không nhất thiết phải thực hiện qua đấu giá. Cụ thể, Nghị định 71/2013/NĐ-CP quy định, đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, thì thực hiện giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận thông qua hệ thống giao dịch của sở giao dịch chứng khoán.
Về nguyên tắc, nếu có từ 2 nhà đầu tư trở lên thì bên bán tiến hành chào giá cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhà đầu tư hầu như không có thông tin để thực hiện việc này. Điểm hạn chế của phương thức này là khi cổ đông nhà nước thông báo thoái vốn trên sàn chứng khoán, đơn thuần là thông báo bán cổ phần của cổ đông lớn trong doanh nghiệp theo các quy định pháp luật về chứng khoán, chứ không phải là công bố chi tiết dạng mời thầu về các đợt thoái vốn tương tự như khi thực hiện đấu giá công khai cổ phiếu chưa niêm yết. Do đó, nhà đầu tư thiếu thông tin, không rõ đầu mối để liên hệ tìm hiểu sâu hơn. Mặt khác, nhà đầu tư cũng không rõ cổ đông nhà nước sẽ bán cả lô, hay chia nhỏ bán từng phần.
Việc bán thỏa thuận có thể được thực hiện trong biên độ giao dịch trên sàn hoặc ngoài biên độ và trong nhiều thương vụ mang dấu hiệu “dàn xếp” khá rõ, bởi thế rất khó để xác định mức giá tối đa các nhà đầu tư trên thị trường sẵn sàng trả giá cho lô cổ phần như trường hợp được đấu giá công khai.
Thị trường chịu tác động?
Một tính toán của giới đầu tư cho thấy, nếu nhà nước thoái toàn bộ vốn tại Sabeco, Habeco và Vinamilk, số tiền thu được có thể tới gần 10 tỷ USD. Họ cũng khuyến nghị rằng, nên lựa chọn giải pháp Nhà nước thoái hết 100% vốn tại các doanh nghiệp này, thay vì tiếp tục nắm giữ một tỷ lệ cổ phần nhất định, chẳng hạn 36% cổ phần, tức là tiếp tục nắm giữ quyền phủ quyết tại đại hội cổ đông.
Với lượng cổ phần lớn như vậy, liệu thị trường thứ cấp có bị hút một lượng vốn khủng? Câu hỏi này được VinaCapital giải đáp trong một báo cáo gửi các nhà đầu tư mới đây: Tiền từ nhiều tập đoàn và các quỹ đầu tư nước ngoài đang nóng lòng tìm kiếm cơ hội giải ngân tốt tại Việt Nam. Với các nhà đầu tư trong nước, chẳng phải Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu triển khai phương án huy động nguồn lực trong dân, từ vàng dự trữ và các nguồn vốn nhàn rỗi, đó sao?