Trao đổi với ĐTCK, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế ở Việt Nam cũng là cơ hội để thấy rõ hơn những khiếm khuyết trong cơ cấu kinh tế, trong đầu tư và trong chính sách tài chính. Đây chính là thời cơ để Việt Nam tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế ngay sau khi ra khỏi tình trạng suy thoái.
PGS.TS Đặng Văn Thanh |
Thưa ông, tái cấu trúc nền kinh tế đòi hỏi phải tập trung tìm kiếm và lựa chọn con đường phát triển hiệu quả nhất. Vậy đâu là mấu chốt của công cuộc tái cấu trúc?
Trước hết, có thể thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu theo chiều rộng. Trình độ công nghệ tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Yếu tố đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế là vốn và lao động. Chính vì vậy, yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn rất cấp bách. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải tái cơ cấu vốn đầu tư ngay từ bây giờ. Do đó, cần xây dựng và duy trì mô hình phát triển đặt trọng tâm vào tăng lực lượng lao động có chất lượng, được đào tạo, tăng năng suất lao động hơn là tăng đầu tư, vì mức tăng đầu tư đã tới hạn.
Mô hình phát triển kinh tế nước ta nhiều năm qua là mô hình hướng ngoại, dựa nhiều vào xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Theo ông, mô hình này có còn phù hợp?
Tôi cho rằng, mô hình này chỉ có thể phù hợp trong điều kiện bình thường nhưng lại khiến nền kinh tế và nền tài chính, tài khóa bị tổn thương khi kinh tế thế giới biến động và lâm vào tình trạng bất ổn. Vì vậy, cần cơ cấu lại các ngành kinh tế, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu lại đầu tư và trên cơ sở đó, cơ cấu lại các khoản thu NSNN, tạo sự chủ động hơn cho quản lý và điều hành nền tài chính quốc gia.
Trong những năm tới, cần điều chỉnh mô hình phát triển kinh tế - tài chính theo hướng phát huy tối đa nội lực, sử dụng có hiệu quả ngoại lực, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, của từng sản phẩm. Cần xây dựng chính sách phát huy nội lực, hỗ trợ cho sản xuất, nhắm tới thị trường nội địa và xa hơn là nâng cao sức mua của người dân trong nước.
Cần huy động nhiều nguồn lực trong nước cho đầu tư phát triển. Sử dụng linh hoạt và có hiệu quả mọi nguồn vốn trong và ngoài ngân sách, kể cả vốn tạm thời nhàn rỗi ở Kho bạc Nhà nước, trong nền kinh tế, các quỹ tập trung, quỹ chuyên dùng... cho đầu tư phát triển.
Cần nhận thức đúng hơn về khối DN mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn
Theo ông, giải pháp nào để phát huy tốt nội lực của nền kinh tế?
Giải pháp hiệu quả nhất vẫn là tăng cường khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu. Nhà nước cần có chính sách kinh tế và cả kỹ thuật phù hợp với quy định WTO để hỗ trợ những mặt hàng trong nước sản xuất được và đảm bảo chất lượng tương đối.
Bên cạnh đo, có chính sách đẩy nhanh tiến trình sản xuất những mặt hàng thiết yếu mà trong nước có khả năng làm được, giảm tình trạng nhập siêu, đồng thời, tạo động lực cho kinh tế trong nước phát triển, tăng thêm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Muốn vậy, phải tiếp tục sắp xếp lại DN, thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá và đổi mới DNNN. Chính sách đổi mới DNNN cần phải được đánh giá lại trên cơ sở những thành tựu của tiến trình cổ phần hoá và từ sự phát triển của TTCK.
Tôi cho rằng, cần nhận thức đúng hơn về khối DN mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn. Đó là những DN không thể đa dạng sở hữu vì lý do an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Các DNNN này chỉ tiến hành hoạt động sản xuất -kinh doanh những sản phẩm, ngành hàng mà khu vực kinh tế tư nhân hoặc các công ty cổ phần không làm vì không đảm bảo hiệu quả kinh tế. Tất cả loại hình DNNN đều phải thực hiện chế độ công bố thông tin thường xuyên về tình hình hoạt động và tình hình tài chính một cách đầy đủ như các DN niêm yết.
Gần đây, các chuyên gia và tổ chức quốc tế liên tục khuyến cáo Việt Nam cần tái cấu trúc nền kinh tế, mà trước hết là tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc đầu tư. Cụ thể, chúng ta phải làm gì để thực hiện được những nội dung trên?
Chúng ta cần cơ cấu lại toàn bộ nền tài chính quốc gia, tăng tiềm lực tài chính cho các DN thông qua việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN; nâng cao chất lượng quản trị DN; có chính sách tăng cường tiềm lực tài chính dân cư; đẩy mạnh cải cách toàn bộ khu vực tài chính nhà nước theo hướng nâng cao chất lượng chính sách tài khóa, minh bạch, công khai mọi nguồn ngân quỹ và hoạt động tài chính nhà nước; tăng cường vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước.
Cần tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, trước hết là cơ cấu lại nền tài chính quốc gia theo hướng xử lý tốt mối quan hệ giữa thị trường trong nước và thị trường ngoài nước, tính toán mức độ hợp lý của tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu trong GDP. Hạn chế sự phụ thuộc vào kinh tế bên ngoài, đặc biệt ở những ngành nghề có thể sản xuất hàng trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Cơ cấu lại nguồn thu ngân sách theo hướng tăng thu nội địa, thu từ kinh tế trong nước. Cơ cấu lại các khoản chi ngân sách, đặc biệt là chi đầu tư, tái cơ cấu đầu tư. Cơ cấu lại và hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính, nhất là hệ thống giám sát thị trường tài chính, ngân hàng, TTCK...
Đặc biệt, chúng ta cần cơ cấu lại vị thế quốc gia trong nền kinh tế cũng như trong hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế. Việt Nam cần chủ động thiết lập vị thế của mình trong hệ thống tài chính tiền tệ thế giới ngay sau khủng hoảng.