Rất nhiều vụ việc cho vay nặng lãi hình thành từ lòng tham của chủ nợ

Rất nhiều vụ việc cho vay nặng lãi hình thành từ lòng tham của chủ nợ

Cho vay lãi nặng, đại đa số không sao!

(ĐTCK) Trong các vụ “tín dụng đen”, chỉ thấy các con nợ bị đưa ra xét xử vì hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Chủ nợ, với mức lãi suất khủng thu được, hầu như không bị đề cập xử lý, dù Bộ luật Hình sự có quy định về tội cho vay lãi nặng.

TAND TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Thị Châm (SN 1978, trú tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Nguyễn Thị Châm đã vay nợ của 2 cá nhân với số tiền 35,7 tỷ đồng. Cụ thể, từ tháng 5/2010 đến tháng 7/2011, Châm nhiều lần vay tiền của bà Phạm Thị Thông với tổng số tiền 27,6 tỷ đồng.

Khi vay, Châm có nói với bà Thông là để kinh doanh bất động sản, hóa mỹ phẩm, rượu ngoại và thỏa thuận trả lãi suất là 2.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. Thời gian đầu, Châm trả lãi đều đặn cho chủ nợ. Châm còn nhiều lần đưa chủ nợ ra Sân bay Nội Bài chứng kiến việc vợ chồng Châm kinh doanh các mặt hàng nước hoa, mỹ phẩm từ nước ngoài về.

Từ tháng 4/2011 đến tháng 5/2011, Châm vay 8 tỷ đồng của chị Nguyễn Thị Hương. Mỗi lần vay tiền, Châm đều viết giấy biên nhận, kỳ hạn mỗi lần vay có khi là 2 ngày, 7 ngày, 10 ngày, 1 tháng.

Tại cơ quan điều tra, Châm khai nhận việc vay tiền nêu trên, nhưng do kinh doanh thua lỗ, không có tiền trả nợ nên phải bỏ trốn cho đến khi bị bắt vào tháng 10/2013...

Dư luận từng chứng kiến nhiều vụ án “tín dụng đen” khác có quy mô hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Ví dụ vụ Nguyễn Văn Trung - Tô Thị Bích Liên ở TP. Lạng Sơn, bỏ trốn cuỗm theo hàng trăm tỷ đồng của nhiều người; vụ Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Phương Nam vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng…

Không ít vụ việc không dừng lại ở chuyện mất mát tài sản, mà còn liên quan đến án mạng và có thể có nhiều tội danh xuất phát từ một vụ vỡ nợ như giết người, cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Chẳng hạn, một vụ án giết người tại Hà Nội, nguyên nhân xuất phát từ việc vay nợ 10 triệu đồng, thỏa thuận miệng. Trong quá trình đòi nợ, xô xát xảy ra dẫn đến án mạng.

Trong những phiên tòa xét xử con nợ, các chủ nợ than vãn, kêu khổ vì số tiền khó khăn tích cóp bao năm bỗng mọc cánh bay mất. Một số chủ nợ còn là con nợ của những người khác, khi họ đi vay rồi cho vay lại. Nhưng ở góc độ khác, không khó để nhận thấy, các chủ nợ lâm vào tình cảnh này là vì miếng mồi lãi suất cao.

Hiện nay, lãi suất gửi tiết kiệm phổ biến là 7%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn quy định, lãi suất cho kỳ hạn dưới 6 tháng không được quá 6%/năm, lãi suất không kỳ hạn và lãi suất có kỳ hạn dưới 1 tháng không quá 1%/năm.

Trong khi đó, lãi suất cho vay dân sự bên ngoài phổ biến là 6%/tháng, nhiều trường hợp lên tới hàng chục phần trăm mỗi tháng. Trong vụ Nguyễn Thị Châm nêu trên, lãi suất cho vay là 2.000 đồng/ngày/1 triệu đồng, tương đương 0,2%/ngày (6%/tháng). Với số tiền vay 27,6 tỷ đồng, mỗi ngày Châm phải trả lãi 55 triệu đồng.

Nhiều vụ án khác cho thấy, những khoản vay nhỏ bé ban đầu nhanh chóng phình lên, “đè chết” con nợ. Trường hợp một DN vay tín dụng đen với số tiền 4 tỷ đồng, sau đó không trả kịp nợ, nên lãi nhập gốc và tiếp tục tính lãi khiến khoản vay vọt lên 25 tỷ đồng là một ví dụ.

Trong khi đó, pháp luật dân sự quy định, lãi suất cho vay dân sự không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với kỳ hạn cho vay tương ứng. Chiểu theo quy định này, gần như 100% các hợp đồng vay tiền bên ngoài ngân hàng đều phạm luật. Chỉ khi xảy ra tranh chấp, khởi kiện thì cơ quan tài phán mới xem xét lãi suất của các hợp đồng vay đã phù hợp với quy định pháp luật hay chưa.

Tuy nhiên, trong các vụ tín dụng đen, chỉ thấy các con nợ bị đưa ra xét xử vì hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Chủ nợ, với mức lãi suất khủng thu được, hầu như không bị đề cập xử lý, dù Bộ luật Hình sự có quy định về tội cho vay lãi nặng: người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột thì phạm tội cho vay lãi nặng.

Thực tế, hành vi cho vay “có tính chất chuyên bóc lột” và “hưởng lợi bất chính” trong nhiều trường hợp khó xác định đó có phải là cho vay lãi nặng. Việc xác định “mức lãi suất cao nhất” cũng không dễ dàng và còn tùy thuộc vào chính sách điều hành cụ thể của NHNN trong từng giai đoạn. Hiện NHNN quy định trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay trong một số lĩnh vực ưu tiên, còn về cơ bản, lãi suất là sự thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.

Trong “đại án” Huyền Như, có một số cá nhân đã bị xử lý vì tội cho vay lãi nặng, nhưng nhìn chung, các vụ án tín dụng đen mới chỉ đề cập xử lý con nợ vì hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mà chưa xem xét lãi suất cho vay của chủ nợ. Vụ án Nguyễn Thị Châm nói trên, TAND TP. Hà Nội sau khi đưa ra xét xử sơ thẩm đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ vấn đề lãi suất cho vay.

Sở dĩ có tình trạng này, ngoài khó khăn nêu trên, thì khi vay nợ, các bên không làm rõ lãi suất cho vay trên các giấy nhận nợ. Do đó, khi ra đến cơ quan pháp luật, chủ nợ thường phủ nhận mức lãi suất “khủng”.     

Tin bài liên quan