Cho thoái vốn lỗ “sếp” bị trừ lương!?

Cho thoái vốn lỗ “sếp” bị trừ lương!?

(ĐTCK) Thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang bế tắc do đã thoái là hầu như lỗ, mà lỗ thì không được thoái. Bộ Tài chính vừa đề xuất cơ chế tháo gỡ bế tắc này và dự kiến bắt đầu áp dụng từ năm nay, nhưng tính khả thi đang bị nghi ngờ.

Cho thoái vốn lỗ “sếp” bị trừ lương!? ảnh 1

Bộ Tài chính đã đề xuất mở ra cơ chế thoái vốn ngoài ngành lỗ cho DNNN

Trao quyền cho lãnh đạo DN

Các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang bế tắc trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành do bị lỗ. Để giải tỏa tình trạng này, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 71/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, có đưa ra hướng xử lý cho tình trạng bức bối hiện tại.

Theo đó, đối với công ty cổ phần đã niêm yết trên TTCK hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, thì việc chuyển nhượng vốn (cổ phiếu) thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Trường hợp chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận, thì giá thỏa thuận không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán. Đối với công ty cổ phần chưa niêm yết, hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, thì chuyển nhượng vốn theo hình thức bán đấu giá công khai qua sở GDCK, hoặc tại các tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản...

Cũng theo dự thảo, trường hợp giá chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài DN dự kiến thu được sát với giá thị trường, nhưng vẫn thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của DN, nếu DN đã thực hiện trích lập dự phòng và khoản trích lập dự phòng bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa giá bán dự kiến thu được so với giá trị ghi trên sổ sách kế toán (DN đã bảo toàn được vốn đầu tư thông qua trích lập dự phòng), hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định chuyển nhượng để thu hồi vốn đầu tư ra ngoài DN.

Nếu khoản trích lập dự phòng của DN vẫn thấp hơn chênh lệch giữa giá trị khoản đầu tư ghi trên sổ kế toán với giá trị chuyển nhượng dự kiến thu được sát với giá thị trường, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty phải báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định trước khi thực hiện chuyển nhượng...

Nghi ngờ tính khả thi

Với quy định trên, câu hỏi đặt ra là nếu chủ sở hữu vì lý do nào đó, trong đó không loại trừ sợ trách nhiệm khi cho phép DN thoái vốn đầu tư ngoài ngành lỗ, mà không quyết phương án thoái vốn, thì việc tổ chức thoái vốn sẽ vẫn bế tắc như hiện tại.

Mặt khác, cơ chế thoái vốn đầu tư ngoài ngành lỗ cũng khó khả thi, khi dự thảo quy định, trường hợp DN kinh doanh thua lỗ, thì hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty phải có báo cáo gửi chủ sở hữu và Bộ Tài chính về nguyên nhân thua lỗ và phải giảm trừ tiền lương của viên chức quản lý DN do không bảo toàn được vốn...

Với quy định trên, tuy Bộ Tài chính đã đề xuất mở ra cơ chế cho thoái vốn ngoài ngành lỗ, nhưng cách truy trách nhiệm với những người có liên đới tại DNNN như dự thảo, thì quy định mới khó khả thi. Lý do là bởi trên thực tế, viên chức quản lý DN không dễ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân là bị trừ lương để đánh đổi cho lợi ích của tập thể là hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành cho DN.

Hơn nữa, tính không khả thi còn do dự thảo quy định chung chung, bởi viên chức quản lý DNNN bị trừ lương bao nhiêu, mức trừ này có mối liên hệ nào với số lỗ do DN thoái vốn đầu tư ngoài ngành không, thời gian trừ lương kéo dài bao lâu đều không rõ.

Để đảm bảo tính khả thi, các chuyên gia cho rằng, dự thảo cần căn cứ vào thực trạng đầu tư ngoài ngành để điều chỉnh các quy định cho phù hợp theo hướng phân tách việc thoái vốn đầu tư thành hai tình huống.

Thứ nhất, với những khoản vốn đầu tư ngoài ngành đã phát sinh đến một thời điểm cụ thể và buộc phải thoái vốn, thì phải nhìn nhận một thực tế là cơ chế cần mở cho xử lý “chuyện đã rồi”, có nghĩa là vận dụng tối đa các cơ chế để chấp nhận lỗ ở mức tối thiểu có thể. Có như vậy, mới tháo gỡ được bế tắc hiện nay.

Thứ hai, để tăng tính răn đe với những khoản đầu tư ngoài ngành phát sinh trong tương lai do DN cố tình vi phạm các quy định, ngoài áp dụng hình thức giảm trừ lương như dự thảo, nhưng cần quy định cụ thể hơn ai bị trừ lương, mức trừ là bao nhiêu, thì cần áp dụng các hình thức xử lý nặng hơn như cách chức, buộc thôi việc, đồng thời phải bồi hoàn thiệt hại cho Nhà nước, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

>> Thoái vốn ngoài ngành, phải chấp nhận… trả giá

>> Yêu cầu DNNN khẩn trương thoái vốn ngoài ngành