Sẽ phân hóa nhóm cổ phiếu
Xét dưới góc độ vốn hóa, lịch sử giao dịch và quan trọng hơn cả là đặc điểm của từng nhóm cổ phiếu gắn liền với chu kỳ kinh doanh, chu kỳ phát triển của nền kinh tế, có thể nhận thấy các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dầu khí, bất động sản là những nhóm ngành sẽ tăng điểm luân phiên để dẵn dắt thị trường.
Ở giai đoạn hiện tại, bên cạnh các thông tin hỗ trợ về vĩ mô, cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các vướng mắc về nới room sắp được tháo gỡ..., thì thông tin từ ĐHCĐ của các doanh nghiệp nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư, nhất là khi kết quả kinh doanh quý I/2016 sắp được công bố. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư cân nhắc khi ra quyết định đầu tư.
TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược đầu tư, CTCK MSI cho rằng, diễn biến vĩ mô đang hỗ trợ cho các nhóm ngành nghề cơ bản gắn liền với chu kỳ kinh tế như ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng - thép, cảng biển, dệt may… Nếu theo chu kỳ kinh doanh, đây cũng là nhóm cổ phiếu sẽ có lợi thế hơn các cổ phiếu khác trong giai đoạn hiện tại.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang dành sự chú ý cho các cổ phiếu ngành dầu khí. Do giá dầu đang ở mức thấp và có diễn biến khó dự đoán nên kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp lĩnh vực này nhiều khả năng chứng kiến sự suy giảm lớn, kéo theo lợi nhuận quý I/2016 được dự báo giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Với lý do này, áp lực bán đối với nhóm cổ phiếu dầu khí có thể gia tăng, kìm hãm sự phục hồi của thị trường. Thực tế trong phiên ngày 15/3, một số cổ phiếu trong nhóm dầu khí đã bị bán khá mạnh.
Theo CTCK MB (MBS), ở giai đoạn hiện tại, dòng tiền sẽ tập trung vào 2 nhóm chính đó là nhóm cổ phiếu DN có mức dự phóng kết quả kinh doanh quý I/2016 khả quan và nhóm cổ phiếu đầu cơ thanh khoản cao, tái cơ cấu, chuyển biến tốt.
Cũng theo MBS, các doanh nghiệp đầu ngành vẫn sẽ có tăng trưởng lợi nhuận tích cực và khả quan trong quý I như FPT, REE, GMD… Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều CTCK, kết quả kinh doanh quý I được công bố chắc chắn ít nhiều có những kết quả ngoài dự liệu của giới đầu tư và do đó, chúng sẽ tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bluechips lên ngôi?
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu bluechips vẫn đang ở giai đoạn tích lũy. Với kỳ vọng lợi nhuận quý I/2016 của các doanh nghiệp đầu ngành “gắn mác” bluechips được dự báo tiếp tục giữ mức ổn định, thậm chí tăng trưởng như VNM, FPT…, liệu các cổ phiếu này có tiếp tục giữ được đà hồi phục trong thời gian tới?
Theo ông Khánh, hiện tại VN-Index đang ở giai đoạn tích lũy khá tích cực khi dòng tiền tham gia vào thị trường tăng cao. Nhiều cổ phiếu bluechips như VCB, FPT, BVH đang có diễn biến tốt, đã phản ánh khá rõ xu hướng chuẩn bị tăng điểm.
“MSI rất lạc quan về diễn biến thị trường trong hiện tại và VN-Index sẽ bùng nổ mạnh thời gian sắp tới, mặc dù trong ngắn hạn, VN-Index sau khi điều chỉnh ở ngưỡng 580 điểm sẽ quay lên vùng 595 - 600 điểm trong giai đoạn tháng 3, tháng 4”, ông Khánh dự báo.
Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm cho rằng nhóm cổ phiếu bluechips đang ở giai đoạn tích lũy và vẫn còn cơ hội quay lại đà hồi phục sau đó, song trạng thái phân hóa rõ nét có thể xảy ra ngay cả trong nhóm bluechips, tùy thuộc vào các yếu tố thông tin hưởng lợi chứ khó "bùng phát" trên diện rộng.
Tuy nhiên, theo dự báo của CTCK Vietcombank (VCBS) hiện tại chưa thấy dấu hiệu rõ rệt về việc dòng tiền đang chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bluechips, trong khi các cổ phiếu vừa và nhỏ lại được giao dịch khá sôi động với thanh khoản cải thiện. Tuy vậy, để thị trường bứt phá, vẫn cần có sự “hỗ trợ” của nhóm cổ phiếu bluechips như ngân hàng hoặc dầu khí làm trụ cột và lan tỏa ra các nhóm khác.