Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, Võ Trọng Viêt, trình bày Báo cáo tóm tắt, giải trình tiếp thu Dự thảo Luật An ninh mạng.
Dự thảo luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, xác định không gian mạng là lĩnh vực mới, tác động sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội.
Các hành vi trên không gian mạng có thể xâm hại tới mọi chủ thể, khách thể như độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật bao gồm đầy đủ các nội dung liên quan tới an ninh mạng trong phạm trù an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên Internet như hiện nay, việc sớm ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết để quản lý an ninh quốc gia và an toàn xã hội.
466 đại biểu quốc hội đã tham gia biểu quyết Luật An ninh mạng, trong đó, 423 đaỊ biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 86,86%, 15 đại biểu không tán thành, tỷ lệ 3,08%, 28 không biểu quyết, chiếm tỷ lệ 5,75%.
Việt Nam là một trong những quốc gia có số vụ tấn công mạng rất lớn. Theo báo cáo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam trong năm 2017, các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng, gồm khoảng 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại và 4.500 cuộc tấn công thay đổi giao diện.
Ngay trong 5 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam, riêng tháng 2 và 3 có tới hơn 1.500 vụ tấn công mạng; bên cạnh đó với khoảng 637.400 máy tính bị kiểm soát nằm trong mạng máy tính bị nhiễm mã độc (mạng máy tính ma - botnet), Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong Top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma.
Lỗ hổng mất an toàn ngày càng gia tăng, khoảng hơn 300%/năm khiến nguy cơ an toàn thông tin mạng đang gia tăng nhanh chóng khi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0.
Với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, các tổ chức, cá nhân được hoạt động trên một môi trường không gian mạng quốc gia sẽ được bảo đảm an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như bị đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bị vu khống, làm nhục, công kích bôi nhọ…
Việc quy định rõ các biện pháp bảo vệ an ninh mạng sẽ bảo đảm rằng tuân thủ nghiêm túc quy định của Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành.
Đồng thời, làm căn cứ pháp lý để các lực lượng chuyên trách, lực lượng bảo vệ an ninh mạng áp dụng khi triển khai công tác bảo vệ an ninh mạng, phòng ngừa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm những ngày qua là quy định về bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng tại điều 26.
Điểm d khoản 2 điều 26 tại dự thảo luật trình Quốc hội đầu kỳ họp quy định, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải: lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng "quy định này là khả thi". Cụ thể, các Hiệp định cơ bản của WTO (Hiệp định GATT, Hiệp định GATS) và Hiệp định CPTPP đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh.
Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Theo Thường vụ Quốc hội, đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia.