Đây là một trong những điều chỉnh quan trọng tại Quyết định số 4856/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên (Dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên) vừa được Chủ tịch UBND TP.HCM ký vào cuối tuần trước.
Mặc dù phương án hướng tuyến không thay đổi, nhưng trong lần điều chỉnh này, Dự án có thay đổi cục bộ tại một số vị trí; trong đó đoạn trước nhà ga cuối (ga Bến xe Suối Tiên), tuyến được chuyển hướng băng qua Xa lộ Hà Nội sớm hơn so với thiết kế cơ sở được duyệt; tại cục bộ một số đoạn khác cũng có sự thay đổi nhỏ về bình đồ tuyến cho phù hợp với địa hình thực tế và yêu cầu kỹ thuật.
Bên cạnh đó, một số thông số kỹ thuật của Dự án cũng được điều chỉnh so với thiết kế cơ sở được duyệt trước đây bảo đảm yêu cầu kỹ thuật chạy tàu (tải trọng trục thiết kế tăng từ 14 Tấn/trục thành 16 Tấn/trục; thay đổi cự ly tim đường từ 3,8 m thành 3,5 m; công nghệ sử dụng cho phát hiện đoàn tàu của Hệ thống thông tin tín hiệu chuyển từ mạch điện đường ray thành hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến – CBTC…); thay đổi về quy mô xây dựng, giải pháp kết cấu so với thiết kế cơ sở được duyệt trước đây (như thay đổi quy mô nhà ga; quy mô các công trình cầu, ngầm, hệ thống điện, mặt cắt dầm cầu cạn từ dầm Super T sang mặt cắt hình chữ U...).
Tổng mức đầu tư Dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên cũng được điều chỉnh lên 43.757 tỷ đồng, giảm khoảng 3.600 tỷ đồng so với lần điều chỉnh thứ hai vào năm 2011.
Đặc biệt, thời gian thực hiện của Dự án cũng được chốt lại với 2 mốc quan trọng: thời điểm hoàn thành công trình đưa vào khai thác là quý IV/2021; thời điểm kết thúc công tác hỗ trợ vận hành bảo dưỡng vào năm 2026. Vào năm 2015, Dự án đặt mục tiêu hoàn thành công tác xây dựng công trình năm 2019 và đưa vào khai thác vận hành đầu năm 2020.
Trong Quyết định số 4856, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, tổng mức đầu tư được phê duyệt chỉ là cơ sở để quản lý chi phí đầu tư xây dựng, không dùng để thanh toán.
Căn cứ yêu cầu kỹ thuật của Dự án, phạm vi công việc, giá vật liệu (tại thời điểm thực hiện), các chế độ chính sách và các nội dung khác có liên quan khác, Ban Quản lý Đường sắt đô thị xác định, thẩm định và phê duyệt giá gói thầu; nghiệm thu, thanh toán cho các nhà thầu đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị sẽ phải thực hiện đầy đủ các nội dung kết luận của Kiểm toán Nhà nước (tại Báo cáo Kiểm toán được ban hành kèm theo Công văn số 725/KTNN-TH ngày 20/12/2018), thực hiện đàm phán thương thảo với các Nhà thầu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước để giảm giá các Hợp đồng, không làm thất thoát vốn đầu tư. Tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Bộ ngành, Kiểm toán Nhà nước và các đơn vị liên quan đến các nội dung về thiết kế, khối lượng, chi phí đầu tư,... có thay đổi, cần thiết tổ chức thực hiện điều chỉnh tiếp theo theo đúng quy định.
Đơn vị này cũng sẽ phải tiếp tục nghiên cứu kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị số 1 với các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng khác, các dự án có liên quan đến kết nối hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo khả thi, đồng bộ, nâng cao hiệu quả khai thác, kinh tế của Dự án.
Dự án metro số 1 có mục tiêu xây dựng đoạn tuyến đường sắt đi ngầm dài 2,6 km; xây dựng đoạn tuyến đường sắt đi trên cao dài 17,1 km và 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và 1 depot; cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ như đầu máy, toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động...
Dự án đi qua địa bàn các quận: 1, Bình Thạnh, 2, 9 và Thủ Đức của TP.HCM và thị xã Dĩ An của tỉnh Bình Dương.