Nhìn tổng thể, với chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt, trong 6 tháng đầu năm 2008, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán có xu hướng chậm lại, tăng 4,48% so với cuối năm 2007 (cùng kỳ năm trước tăng trên 20%).
Tính đến cuối tháng 6, lượng tiền mặt trong lưu thông giảm 7,13% so với cuối năm 2007 (hút về khoảng 17.000 tỷ đồng). Tín dụng cho nền kinh tế có xu hướng chậm dần, phù hợp với mục tiêu cả năm tăng không quá 30%.
Đáng lưu ý là cơ cấu tín dụng đang được điều chỉnh theo hướng tập trung cho vay sản xuất (tăng 20,6%), xuất khẩu (tăng 31%), nông nghiệp và nông thôn (tăng 19,75%); mở rộng cho vay đối tượng hộ nghèo và hộ chính sách (tăng 13,8%) để thực hiện chính sách an sinh xã hội. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng trưởng tín dụng, nhưng sẽ “tăng vào mục tiêu cụ thể chứ không dàn đều”.
Phó Chủ tịch kiểm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Vũ Trọng Kim, đánh giá cao định hướng này và gọi đó là chính sách “lạt mềm buộc chặt”. Còn theo ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để thực hiện được chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt, ngành ngân hàng phải bám sát với thực tiễn để nắm rõ cần “rót” vốn vào đâu, vừa bảo đảm chống lạm phát, vừa hỗ trợ được phát triển sản xuất kinh doanh.
Về phương hướng thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho hay chủ trương là vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng sẽ thông thoáng hơn, không rút tiền về, nhưng cũng không bơm thêm ra: “Chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp ổn định vĩ mô đến cuối năm. Nếu có diễn biến gì mới thì sẽ có các giải pháp mới”.
Về điều hành lãi suất, nếu sắp tới lạm phát có chiều hướng giảm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét khả năng giảm lãi suất cơ bản, đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất. Tỷ giá VND/USD cũng sẽ được điều hành linh hoạt để ổn định, bảo đảm quyền lợi của cả các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu và quyền lợi của Nhà nước.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu kiến nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng tham gia giám sát, vận động thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, mà trước mắt là tập trung kiểm soát nhập siêu, kiểm soát giá thị trường và bảo đảm an sinh xã hội.