Chính sách biến động gây khó cho doanh nghiệp ô tô

Triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS 2015) diễn ra trong lúc thị trường đang có sự tăng trưởng mạnh về bán hàng. Cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động tại Việt Nam sẽ ra sao. Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của thị trường ô tô Việt Nam năm 2015 và cơ hội trong năm 2016? 

Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng doanh số bán của thị trường đã đạt được gần 164.000 xe, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các mẫu xe CKD chiếm khoảng 75%. Với sự tăng trưởng liên tục của thị trường và sự hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng tổng dung lượng thị trường cả năm sẽ đạt khoảng 210.000 xe.

Với chính sách thuế rõ ràng và ổn định hơn, cùng sự tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ có những bước tiến tích cực, thị trường ô tô tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2016.

Một số thị trường gần Việt Nam đang diễn ra cảnh cung lớn hơn cầu, doanh số bán xe giảm. Điều này có ảnh hưởng đến thị trường ô tô Việt Nam năm 2016 không, thưa ông?

Đây là những bất lợi mà sản xuất trong nước đang phải đối mặt, bởi Thái Lan và Indonesia sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam, đặc biệt là khi thuế suất thuế nhập khẩu về mức 0% vào năm 2018. Do đó, bên cạnh nỗ lực của các nhà sản xuất ô tô trong việc tìm cách tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình, sự hỗ trợ của Chính phủ để duy trì sản xuất là rất cần thiết.

Dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt đang được xây dựng sẽ tác động thế nào đến kế hoạch kinh doanh của các thành viên VAMA?

Như quý vị đã biết, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực ASEAN về mốc 0% vào năm 2018, cùng với việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá của một chiếc xe dung tích nhỏ cũng sẽ giảm nhiều. Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các hãng ô tô để duy trì sản xuất. Vì vậy, chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ xem xét cẩn thận để đưa ra một chính sách thuế lâu dài, không lên xuống mạnh trong một thời gian ngắn. Nếu các chính sách thuế biến động mạnh, rất khó để chúng tôi có thể đưa ra được các kế hoạch kinh doanh trong tương lai.

Ông có kiến nghị gì để giảm thiểu tác động tiêu cực từ thuế tiêu thụ đặc biệt tới các doanh nghiệp sản xuất ô tô không?

Theo tôi, trước hết, Bộ Tài chính cần đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho các nhà sản xuất ô tô trong nước để duy trì sản xuất sau năm 2018, khi thuế nhập khẩu về mức 0%. Sau đó, Bộ Tài chính có thể xem xét việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dự án sản xuất xe theo như Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.

Việc chưa có đầy đủ chính sách cụ thể với ngành công nghiệp ô tô nhằm hiện thực hoá chiến lược và quy hoạch phát triển có làm khó các doanh nghiệp muốn đầu tư vào sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô tại Việt Nam không?

Mục đích của Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là nhằm sản xuất một số dòng xe chiến lược, từ đó tạo ra một sản lượng đủ lớn để tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, các chính sách cụ thể hóa chiến lược này của Chính phủ là rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và thu hút thêm vốn đầu tư cho việc sản xuất linh kiện, phụ tùng ở Việt Nam.

Việt Nam có cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán không, khi mà một số trung tâm sản xuất ô tô lớn của khu vực như Thái Lan, Trung Quốc không tham gia TPP?

Cho đến bây giờ, nội dung chi tiết của TPP vẫn chưa được công bố cho công chúng. Do đó, chúng tôi không thể bình luận về chủ đề TPP tại thời điểm này. Khi Chính phủ công bố các thông tin chính thức, chúng tôi sẽ nghiên cứu cẩn thận những vấn đề liên quan đến lĩnh vực ô tô.

Tin bài liên quan