Hội nghị sẽ dành phần lớn thời gian để các Bộ, ngành và địa phương tập trung thảo luận về các kết quả đạt được trong thực thi các quy định của Luật, nhất là việc triển khai lập các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh của các Bộ, ngành, địa phương; Các vấn đề cần tháo gỡ, thống nhất cách hiểu, cách làm như việc lập quy hoạch nào trước, quy hoạch nào sau giữa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh; Cách hiểu và áp dụng các quy định chuyển tiếp của Luật, nhất là các quy hoạch là các quy hoạch tích hợp như quy hoạch điện cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh,...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá 14, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch, Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Tiếp đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Theo Phó Thủ tướng, đây là luật mới, lần đầu tiên được áp dụng. Mặc dù có nhiều luật liên quan nhưng đây là luật mới thống nhất quản lý quy hoạch tổng thể quốc gia cho đến quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, tỉnh. Phạm vi luật rất là rộng, nhiều nội dung mới, nhiều quy hoạch mới, lần đầu tiên đồng thời áp dụng trong giai đoạn mới 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Phó Thủ tướng khẳng định, đây là lần lần đầu tiên làm đồng bộ tất cả quy hoạch. Luật Quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng trong định hướng phát triển, dự báo phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm của mỗi địa phương, ngành, đồng thời quản lý đảm bảo cho phát triển bền vững.
Chúng ta đầu tư, phát triển quy hoạch tránh tình trạng phong trào, phòng khủng hoảng thừa hoặc thiếu, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, do thực hiện đồng bộ nên khối lượng lớn, từ 64 tỉnh thành cho đến các bộ ngành, quốc gia đều làm nên cần nguồn lực lớn. Đặc biệt, việc thực hiện Luật Quy hoạch rơi vào thời kỳ có nhiều việc, ở địa phương chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tại Hội nghị cần làm rõ những vướng mắc trong thời gian thực hiện chuyển tiếp khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, đề xuất giải pháp thực hiện.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, việc ban hành Luật Quy hoạch đã tạo ra khung pháp lý quan trọng nhằm đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch theo hướng tổng hợp, đa ngành, nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả về công tác quy hoạch trước đây. Luật Quy hoạch chính là công cụ để xử lý, giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững; đặc biệt, Luật Quy hoạch có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Với tầm quan trọng và ý nghĩa của Luật Quy hoạch, ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 ngày 05/02/2018 để giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Sau hơn một năm triển khai Luật Quy hoạch và thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo và đạt được một số kết quả nhất định.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung trình bày 2 báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: Thùy Trâm)
Từ khi Luật Quy hoạch được thông qua đến khi có hiệu lực thi hành có khoảng thời gian 13 tháng để thực hiện việc chuyển tiếp các quy hoạch và triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, do việc chưa tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển tiếp quy hoạch và việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch nên kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, đặc biệt là việc triển khai tổ chức lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 là chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu. Những khó khăn, vướng mắc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Để tiếp tục triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt một số giải pháp cụ thể như: Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn và xử lý dứt điểm chuyển tiếp quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; Tập trung triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch; Đảm bảo kinh phí lập quy hoạch và hướng dẫn các thủ tục thanh toán, quyết toán kinh phí.
Về Kế hoạch tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành của cả nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được tiến hành đồng thời, có sự phối hợp, điều chỉnh, theo phương pháp ‘‘đúng dần’’.
Hiện nay, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đang được dự thảo trình Hội nghị Trung ương lần thứ 11. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và các quy hoạch khác.
Để bảo đảm tính thống nhất của các loại quy hoạch, Khung định hướng phát triển quốc gia (bao gồm quan điểm, mục tiêu phát triển và định hướng bố trí tổng thể và các ngành then chốt) sẽ được soạn thảo trong thời gian từ tháng 11/2019-1/2020, trình Hội đồng quy hoạch quốc gia thông qua để làm căn cứ bước đầu cho việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.