Chiều hướng mới trước kỳ đổi rổ ETF

Chiều hướng mới trước kỳ đổi rổ ETF

(ĐTCK) Trong các kỳ cơ cấu gần đây của 2 quỹ ETF ngoại, sự quan tâm vẫn còn đó, nhưng độ nóng của câu chuyện, diễn biến giá cổ phiếu và phản ứng của nhà đầu tư đã diễn ra theo một chiều hướng mới.
LTS: 2 quỹ ETF ngoại (quy mô đầu tư trên 900 triệu USD) dự kiến sẽ cơ cấu danh mục đầu tư trong tuần tới. Nhà đầu tư vẫn rất quan tâm trước mỗi kỳ đổi rổ, nhưng sự thay đổi của quỹ ETF có còn khiến giá cổ phiếu biến động mạnh hay không? Xin giới thiệu quan điểm của tác giả Nguyễn Tuấn Anh, SSI để bạn đọc cùng tham khảo.

Từ năm 2010 trở lại đây, các kỳ cơ cấu và nội dung cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF: FTSE Vietnam Index ETF và Market Vectors Vietnam ETF luôn là câu chuyện nóng hổi của giới đầu tư, thậm chí thu hút cả sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Lý do đơn giản là: nhà đầu tư tìm thấy cơ hội đầu tư đối với các cổ phiếu được thêm vào hoặc bị loại ra khỏi rổ danh mục chứng khoán cơ cấu của các quỹ ETF. Diễn biến thường thấy là vào giai đoạn trước và/hoặc trong kỳ cơ cấu, cổ phiếu được thêm vào danh mục ETF sẽ tăng giá mạnh, còn cổ phiếu bị loại giảm giá mạnh.

Tuy nhiên, trong các kỳ cơ cấu gần đây, sự quan tâm vẫn còn đó, nhưng độ nóng của câu chuyện, diễn biến giá cổ phiếu và phản ứng của nhà đầu tư đã diễn ra theo một chiều hướng mới.

Chẳng hạn, giá của các cổ phiếu được thêm vào danh mục giờ đây có thể bị giảm; ngược lại, các cổ phiếu bị loại có thể xuất hiện lực mua mạnh, giá không những không rớt, mà có khi lại tăng. Vì sao như vậy?

Câu trả lời có thể được nhận ra ở hai khía cạnh: từ ngay chính những đặc điểm của ETF và từ đặc điểm về quy mô giao dịch của thị trường.

Thứ nhất, các quỹ ETF minh bạch về thông tin, minh bạch về các quy tắc trong việc cơ cấu danh mục.

Khác với quỹ mở, do có cơ chế tạo ra và mua lại chứng chỉ quỹ, nên quy mô của quỹ mở thường xuyên thay đổi. Bất cứ khi nào nhà đầu tư cũng có quyền yêu cầu công ty quản lý quỹ mua lại chứng chỉ quỹ mà họ đang nắm giữ.

Do vậy, công ty quản lý quỹ vừa phải duy trì một lượng tiền mặt nhất định trong cơ cấu tài sản của quỹ, vừa phải chủ động tái cơ cấu danh mục một cách thường xuyên để có được lợi suất đầu tư cao nhất có thể.

Chính vì vậy, nhà đầu tư không dễ gì biết được danh mục tài sản của quỹ tại mọi thời điểm, mà chỉ có thể biết được giá trị tài sản ròng (NAV) do công ty quản lý quỹ công bố vào lúc tạo ra hay mua lại chứng chỉ quỹ.

Trong khi đó, ETF cũng như cổ phiếu, được niêm yết và giao dịch trên Sở GDCK. Do được áp dụng cùng một nguyên tắc giao dịch như các cổ phiếu niêm yết, nên nhà đầu tư có thể dễ dàng tham gia và rút khỏi thị trường.

Đồng thời, mọi thông tin liên quan đến ETF (như khối lượng giao dịch, giá thị trường, NAV, cơ cấu tài sản của quỹ, trọng số của từng chứng khoán thành phần…) đều được công khai, minh bạch và bất cứ ai cũng có được thông tin.

 Quy mô giao dịch càng tăng thì ý nghĩa từ sự “bắt bài”của nhà đầu tư càng giảm

Đặc biệt, nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm thấy những quy tắc, quy định rõ ràng về việc lựa chọn, điều chỉnh cơ cấu cổ phiếu trong danh mục đầu tư của các quỹ ETF nhằm mục tiêu mô phỏng sát với một chỉ số nào đó.

Như vậy, hai đặc điểm về tính minh bạch nêu trên không những hỗ trợ nhà đầu tư trong các hoạt động mua/bán và hoán đổi chính chứng chỉ quỹ ETF đó, mà còn giúp nhà đầu tư nắm chi tiết trong danh mục của quỹ ETF có những cổ phiếu gì, số lượng bao nhiêu, tỷ trọng như thế nào, từ đó có quyết định đầu tư phù hợp trong các kỳ xem xét lại (kỳ “review”).

Thứ hai, do mục đích chính của ETF là mô phỏng một cách chính xác nhất chỉ số tham chiếu nào đó, nên khác với cách thức đầu tư mang tính chủ động của các quỹ mở, hầu hết quỹ ETF đều dựa vào mô hình máy tính để lọc và lựa chọn các chứng khoán được mua/bán hoặc thêm vào/loại ra khỏi danh mục. Quá trình này hiếm khi (thậm chí không có) sự can thiệp của con người.

Chính hình thức quản lý danh mục đầu tư thụ động, dựa trên những quy tắc lọc và lựa chọn chứng khoán được công khai, minh bạch đã nói ở trên, nên ETF thường dễ bị “bắt bài”. Nói cách khác, nhà đầu tư có thể tự tính và dự đoán tương đối chính xác các cổ phiếu được tăng/giảm tỷ trọng hoặc được thêm vào/loại ra khỏi danh mục.

Thứ ba, xuất phát từ đặc điểm quy mô giao dịch của TTCK Việt Nam.

Nhìn lại từ năm 2008 đến nay (tức từ khi 2 quỹ ETF ngoại chính thức tham gia thị trường), có thể rút ra một đặc điểm là: ở các thời điểm ETF cơ cấu danh mục, quy mô giao dịch của thị trường càng lớn (nhất là tính thanh khoản và đặc biệt là của các chứng khoán thành phần), thì việc điều chỉnh tỷ trọng từng chứng khoán thành phần và/hoặc việc thêm vào/loại bỏ một chứng khoán nào đó trong danh mục ETF sẽ càng không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư.

Chẳng hạn, hồi tháng 8 - 9/2012, thanh khoản của cổ phiếu VIC (cũng như nhiều cổ phiếu khác) khá yếu, khối lượng giao dịch từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đơn vị/phiên.

Trong tình huống này, nếu các ETF thay đổi tỷ trọng VIC lớn (tức số lượng cổ phiếu VIC được mua thêm hoặc bán bớt là nhiều, ví dụ vài triệu đơn vị), thì hoàn toàn có khả năng việc cơ cấu lại mã VIC trong danh mục của các quỹ ETF sẽ tác động mạnh đến giá cổ phiếu này trên thị trường.

Ngược lại, vào thời điểm hiện nay, tháng 8 - 9/2014, khi thanh khoản của mã VIC lên đến hàng triệu đơn vị/phiên, thì việc thay đổi tỷ trọng VIC trong danh mục với vài triệu cổ phiếu được các ETF mua thêm hoặc bán bớt không còn tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư, đến giá cổ phiếu trên thị trường.

Nhìn lại các kỳ cơ cấu trước, những điển hình khác tương tự như thế là CTG, MSN… Nói tóm lại, quy mô giao dịch thị trường càng tăng thì ý nghĩa từ sự “bắt bài” của nhà đầu tư sẽ càng giảm.

Trên đây là một số nguyên nhân liên quan trực tiếp đến diễn biến giá bất thường của các cổ phiếu thành phần trong danh mục của các ETF ngoại trong các kỳ cơ cấu. Sự bất thường đó là cơ hội, nhưng cũng có thể là rủi ro đối với nhà đầu tư.

Những lý do này cũng sẽ giúp các nhà đầu tư trả lời được câu hỏi: khi nào thì ETF đầu tiên của Việt Nam (VFMVN30 ETF, dự kiến niêm yết vào giữa tháng 9/2014) có thể tạo “sóng gió” trên TTCK (ở một mã cổ phiếu nào đó) tương tự các ETF ngoại đã từng trong thời gian vừa qua?

Tin bài liên quan