Chiến tranh tiền tệ: Hầm trú ẩn nào cho Việt Nam?

Chiến tranh tiền tệ: Hầm trú ẩn nào cho Việt Nam?

Nếu chiến tranh tiền tệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xảy ra, hầm trú ẩn thực sự nằm ở sức mạnh nội tại của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân. Tâm hồn và lương tri của dân tộc. Năng suất lao động là quyết định.

Ngày 14/10 vừa qua, một người bạn ở Úc gửi email hỏi tại sao giá niêm yết USD (đô la Mỹ) ở Việt Nam là 19.500 VND, trong khi đô la Úc đã là 1AUD (đô la Úc) bằng 19.850VND? Lạ nữa, trong cùng ngày tại Úc, đồng AUD chỉ mới bằng 99% của USD!

 

Thực ra, giá USD trên thị trường tự do cũng đã điều chỉnh tăng hơn giá niêm yết (19.500 VND) và vẫn có chiều hướng tiếp tục hướng về mốc 20.000 VND, thậm chí sớm muộn sẽ vượt qua?!

 

Nhưng chúng ta cũng ngạc nhiên khi thấy các đồng tiền Úc, Canada, Thụy Sĩ, Singapore... trước giờ có khoảng cách khá xa so với USD nhưng hiện nay đang thu hẹp khoảng cách này. Đồng tiền châu Âu, Euro, cũng lên hơn 28.000 VND sau vài tháng có chuyển động xuống khoảng 23.000-24.000 VND.

 

Điều này phản ánh điều gì đã và đang diễn ra?

 

Tương quan tỷ giá chuyển đổi giữa các đồng tiền của các quốc gia này đang chuyển động. Chính phủ Nhật, sau động thái nghe ngóng các tác động từ chính sách tiện tệ của Mỹ, Trung Quốc cũng quyết định phá thêm giá đồng Yên để hổ trợ nền sản xuất và xuất khẩu trong nước.

 Chiến tranh tiền tệ: Hầm trú ẩn nào cho Việt Nam? ảnh 1

Các động tác "phá giá đồng nội tệ" của các quốc gia luôn gây quan ngại cho các quốc gia khác. Đặc biệt là các đồng tiền đang được giao dịch chính yếu trong các nền kinh tế thế giới như USD (Mỹ), EUR (châu Âu), JPY (Nhật), GBP (Anh), CAD (Canada), AUD (Úc), RMB (China) ..v.v.

 

Điều gì đang diễn ra?

 

Động thái bán ra USD để mua vào đồng EUR và AUD đã nhất thời làm hai đồng tiền này lên giá. Đồng Yên Nhật (JPY) sau khi đến điểm 1USD ăn 80.88 JPY (thấp nhất) đã quay lại mức 81.44 JPY và trở lại mức 81.15 JPY khi chính phủ Nhật có vài "động thái" can thiệp. Đồng EUR so với đồng Yên cũng đã quay lại 112.67, từ mức 113.83 trong cùng ngày 18/10 (theo Bloomberg).

 

Mỗi động thái mua vào hay bán ra một đồng tiền quốc gia nào đều mang một ý nghĩa cung - cầu nào đó. Tổ chức nào đó đang đầu tư, đầu cơ hoặc chính phủ nào đó có ý định nâng hạ giá đồng tiền của mình cho mục tiêu điều chỉnh mức dự trữ ngoại hối, giảm thâm hụt ngân sách, tăng hay giảm nợ vay nước ngoài và trong nước, hay cân bằng xuất nhập khẩu nào đó...v.v.

 

Nói chung, các đồng tiền được giao dịch trong những ngày gần đây có sự chuyển động tăng - giảm khiến giới làm ăn phải nghe ngóng, suy nghĩ và quan ngại!

 

Nhất là trong bối cảnh các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc về việc định giá thấp đồng Nhân dân tệ (RMB) của Chính phủ Trung Quốc khiến Quốc hội Mỹ phải biểu quyết về các điều luật chống phá giá đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc.

 

Một khi các điều luật này được chính phủ Mỹ thông qua và áp dụng có thể làm Bắc Kinh nổi giận và áp dụng các giải pháp trả đũa thương mại và dựng lên các hàng rào phòng thủ thuế quan và phi thuế quan?

 

Trung Quốc luôn tuyên bố tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc hiện rất thấp và đang tiệm cận mức vài phần trăm hoặc không có lãi (?) và nếu phải chịu áp lực tăng giá bán hàng xuất khẩu sẽ gây phá sản hàng loạt cho các doanh nghiệp Trung Quốc!

 

Hầm trú ẩn ở đâu?

 

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nên định giá thấp đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa, gia tăng thị phần, tạo thêm công ăn việc làm cho quốc gia...v.v.

 

Một số chuyên gia kinh tế khác của Trung Quốc và phương Tây luôn giữ quan điểm là việc định giá thấp đồng tiền nội địa tại Trung Quốc thực tế chưa hẳn là tác nhân chủ yếu gây nên tình trạng thâm hụt thương mại hay thất nghiệp tại Hoa Kỳ.

 

Vậy nếu chiến tranh tiền tệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xảy ra, hầm trú ẩn của các quốc gia khác và của Việt Nam là ở đâu?

 

Giá vàng có lẽ là một câu trả lời. Khi thế giới bất ổn, lạm phát cao, thiên tai địch họa, tâm lý bất an, vàng là một chổ trú chân. Giá vàng trong nước và thế giới trong những ngày qua liên tục lập kỷ lục mới!

 

Có mua được vàng vào mãi không? Các quốc gia có mãi điều chỉnh tăng hoặc giảm giá đồng tiền của mình để đối phó với "chiến tranh thương mại" hay "chiến tranh tiền tệ" ? Tích trữ vàng quá nhiều trong ngân khố và trong dân sẽ khó thúc đẩy được nền sản xuất kinh doanh trong nước?

 

Hầm trú ẩn ở nơi nào?

Chiến tranh tiền tệ: Hầm trú ẩn nào cho Việt Nam? ảnh 2
Nếu anh tăng giá bán tivi cho tôi, có khi tôi cũng sẽ tăng giá gạo?

 

Vai trò của các định chế tài chính thế giới ở đâu? Các cuộc nhóm họp của các nhóm các quốc gia kinh tế hàng đầu như G20, G8, của Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)...v.v. mang lại các động thái ra sao trong sân chơi thế giới này?

 

Sức mạnh đồng đô la Mỹ

 

Thực chất, thị trường luôn có tiếng nói của nó. Đồng VND của Việt Nam trong những ngày qua cũng diễn biến "bám theo" USD để phản ánh giá trị "trao đổi" về tiền - hàng cũng như các kỳ vọng giá trị tương lai.

 

Nếu tôi bán cho anh 1 tấn gạo giá 400USD, sẽ mua được một tivi màu LCD. Nếu anh tăng giá bán tivi cho tôi, có khi tôi cũng sẽ tăng giá gạo.

 

Một liều tiêm vắc-xin trị giá 100.000 đồng, tương đương 5kg gạo (ví dụ: mỗi kg khoảng 20.000 đồng), nếu anh tăng giá bán vắc-xin, tôi sẽ nghiên cứu việc điều chỉnh giá gạo? Nếu anh muốn bán nhiều tivi vào Việt Nam bằng cách hạ giá, tôi cũng sẽ hạ giá gạo bằng cách phá giá VND để tăng xuất khẩu?

 

Đồng USD của Mỹ là một thế lực đáng gờm trên thị trường. Không riêng gì VND của Việt Nam hay Nhân dân tệ của Trung Quốc, hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới đều có một hệ quy chiếu chung là USD!

 

Các quốc gia nhỏ, tiềm lực yếu, thậm chí phải sử dụng USD trong giao dịch hàng ngày, nền kinh tế bị "đô la hóa", lệ thuộc USD, hoặc đồng tiền không "đủ lực" chuyển đổi tự do được trên thị trường thế giới.

 

Các tham vọng lật đổ USD là rất khó.

 

Nếu mỗi công nhân Việt Nam chỉ lắp ráp được 10 tivi so với 40 tivi cho một công nhân tại một quốc gia khác trong cùng một đơn vị thời gian; nếu mỗi hecta đất trồng bắp ở Việt Nam chỉ thu được 4-5 tấn so với 20 tấn ở quốc gia khác; nếu thủ tục khai báo hải quan, khai báo thuế và các thủ tục hành chính khác trung bình của doanh nghiệp Việt Nam đều mất thời gian gấp đôi, gấp ba lần so với quốc gia khác; nếu số lượng công chức nhà nước bình quân trên dân số Việt Nam cao gấp đôi Thái Lan, bộ máy luôn cồng kềnh hơn, nhũng nhiễu và lãng phí, hiệu quả kém hơn...v.v.. thì về lâu dài còn đáng sợ hơn cả các xung đột tiền tệ giữa các quốc gia.

 

Việc biến động tỷ giá vài phần trăm, vài chục phần trăm, dù sao cũng chỉ làm hàng hóa đắt hơn hay rẻ hơn hoặc tệ hơn là khan hiếm hàng hóa cục bộ và nhất thời mà thôi!

Thậm chí, các chuyên gia đều cho rằng, điều này khó mà xảy ra trong một tương lai gần hay trong vòng 20-30 năm tới! Sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ nằm ở đâu? "Siêu cường" kinh tế và quân sự này sở hữu những ưu điểm gì? Tham vọng "vẽ lại bản đồ" kinh tế hay quân sự của các quốc gia đang mạnh lên có sớm thành hiện thực? Trật tự thế giới về chính trị, kinh tế, quân sự sẽ ra sao?

   

Liệu cuộc chiến tiền tệ, nếu xảy ra, có làm thay đổi vai trò của các quốc gia?

 

Ai mong muốn có một cuộc chiến tranh tiền tệ này?

 

Thế giới luôn biến động, giới đầu cơ và một số cường quốc, thậm chí một số định chế tài chính được xem là các thiết chế xương sống qui định các "luật chơi" trên thế giới có thể có một số động cơ nào đó muốn "phá vỡ" trật tự kinh tế tiền tệ hiện hữu?

 

Họ mong muốn một trật tự mới có lợi hơn cho mình, giành lại thị phần, phân công lại "vai trò" của "mỗi tay chơi" trong cuộc đua toàn cầu! Chiến tranh tiền tệ nếu có liệu có dẫn đến khủng hoảng kinh tế kép hay xung đột chính trị, quân sự leo thang phạm vi khu vực hay toàn cầu?

 

Ai không mong muốn "chiến tranh tiền tệ"? Những người còn lại!

 

Không có hồi kết:

 

Sức mạnh của mỗi quốc gia nằm ở nội lực của quốc gia đó.

 

Đồng đô la Mỹ gia tăng sức mạnh bá chủ trong nhiều thập niên đến nay là nhờ "năng suất lao động" rất cao ở Mỹ. Nhiều người bạn ở các nước khi sang Mỹ sống và làm việc đều có nhận xét, đây là xứ sở rất tốt cho người già và trẻ em vì các chính sách hỗ trợ cho hai đối tượng này.

 

Tuy nhiên, đối với người trong độ tuổi lao động, bạn sẽ phải lao động với hiệu suất rất cao, trong một môi trường cạnh tranh và đào thải ghê gớm. Tài năng được trọng dụng xứng đáng, trả lương cao nhưng phải cống hiến hết sức mình. Xã hội này cũng cổ vũ tiêu dùng nhiều, văn hóa tiêu dùng.

 

Thậm chí, trước khủng hoảng kinh tế 2007-2008, sức tiêu dùng hầu như cao nhất theo đầu người trên mọi phương diện (người Mỹ luôn là một trong những quốc gia tiêu thụ các sản phẩm như lương thực, thực phẩm, thuốc men, xe cộ, máy móc gia dụng... bình quân đầu người cao nhất thế giới).

 

Nội lực của nước Mỹ còn chủ yếu ở việc sở hữu rất nhiều "chất xám" của thế giới (Bill Gates đã nhận định cuộc chiến cạnh tranh trong tương lai của các công ty chính là cuộc chiến "tranh giành chất xám" - có chất xám là có tất cả!).

 

Mỹ luôn là cường quốc thu hút và sản sinh khoa học, kỹ thuật, công nghệ với nhiều bằng phát minh, sáng chế và giải Nobel nhất thế giới! Số lượng doanh nghiệp sản suất kinh doanh cũng chiếm nhiều nhất! Môi trường kinh doanh cũng luôn được bình chọn là một trong những nơi tốt nhất thế giới!

 

Trung Quốc trong những năm vừa qua, thậm chí trong cả ba thập kỷ, đã phát triển rất nhanh. Tốc độ phát triển kinh tế, thu nhập GDP đầu người gia tăng nhanh chóng ở mức hai con số.

 

Tuy nhiên, nền kinh tế định hướng xuất khẩu sản phẩm cạnh tranh bằng giá rẻ dù có tạo thêm nhiều công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nhưng cũng mang lại nhiều bất cập như nạn ô nhiểm môi trường càng lúc càng nghiêm trọng, hố cách biệt giàu nghèo gia tăng nhanh chóng, xã hội tồn tại một số mâu thuẫn khó giải quyết trong bối cảnh một quốc gia đông dân nhất thế giới với chính sách hạn chế sinh đẻ tự nhiên, chính sách một con, khó tránh khỏi các mất cân bằng giới và một cấu trúc dân số già trong vài thập kỷ tới.

 

Một quan điểm kinh tế được đưa ra là Trung Quốc nên chuyển hướng chú trọng gia tăng tiêu dùng nội địa, tăng giá Nhân dân tệ, kích thích tiêu dùng trong nước, cải thiện đời sống người dân thay cho việc "nhịn ăn, nhịn mặc", tiết kiệm để dành...v.v.. để làm hàng xuất khẩu!

 Chiến tranh tiền tệ: Hầm trú ẩn nào cho Việt Nam? ảnh 3

Việc dự trữ ngoại tệ USD và vàng rất lớn hiện nay của chính phủ Trung Quốc, cũng như việc gia tăng mua vào trái phiếu chính phủ và công ty tại Mỹ và Nhật, đã làm gia tăng quan ngại khả năng gây ảnh hưởng lớn đến biến động tỷ giá thế giới một khi Trung Quốc quyết định một động thái "mua vào" hay "bán ra" các tài sản tiền, vàng và giấy tờ có giá này!

 

Hầm trú ẩn thực sự nằm ở sức mạnh nội tại của mỗi quốc gia

 

Việt Nam là một nước đang phát triển, cũng dựa vào xuất khẩu hàng gia công, hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng thấp, nhu cầu chuyển đổi cơ cấu tỷ trọng hàng xuất khẩu là cấp bách. Đồng tiền VND chưa có giá trị chuyển đổi trên trường quốc tế là một bất lợi. Khi có biến động, không ai muốn cất giữ đồng VND.

 

Vì vậy, VND liên tục mất giá. Vậy, sức mạnh của đồng VND ở đâu? Hầm trú ẩn của chúng ta ở đâu? Có nên thành lập hay giao nhiệm vụ theo dõi diễn biến vụ việc này cho cơ quan chuyên trách nào ở Việt Nam?

 

Ngày nay, các tướng lĩnh trên các mặt trận chính trị, ngoại giao, hay quân sự, kinh tế đều thấm nhuần binh pháp Tôn Tử: để thắng một cuộc chiến tranh, dù là chiến tranh tiền tệ, là không đơn giản! Khi quân ta chỉ bằng tương đương lực lượng quân đối phương thì chỉ nên "nghi binh", chờ thời. Khi quân ta đông gấp đôi quân đối phương thì chỉ nên "bao vây". Quân ta chỉ "tấn công" khi thực lực gấp 10 lần đối phương mà thôi!

 

Người chỉ huy giỏi không phải thắng bằng cách tiêu diệt cả quân và dân của đối phương mà là "bất chiến tự nhiên thành". Không tồn hao binh lực, không hao binh tổn tướng, bảo toàn lực lượng, thu phục lòng dân mới là thượng sách!

 

Với thực lực nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc hiện nay, một cuộc chiến tranh tiền tệ lớn hay một quyết định "gây chiến tranh tiền tệ" của một quốc gia nào đó là hành động không được hoan nghênh.

 

Uy tín của một quốc gia ngày nay nằm ở khả năng thể hiện trách nhiệm cộng đồng, tôn trọng lẽ phải, tôn trọng lương tri và những giá trị văn minh và luân lý chung của nhân loại chứ không hẳn ở sức mạnh vượt trội về kinh tế hay quân sự.

 

Biên giới của một quốc gia không còn nằm ở địa giới hành chính mà còn ở khả năng khám phá thế giới, chinh phục các đỉnh cao khoa học kỹ thuật, công nghệ. Điều này nhấn mạnh yếu tố tài năng con người của mỗi quốc gia!

 

Thế trận hiện nay có chăng chỉ ở giai đoạn kèn cựa, "nghi binh, chờ thời" hoặc cùng lắm là "bao vây" chứ chưa tới lúc "động binh, tấn công" vì chắng khác nào tự sát! Có chăng, là các động thái mang màu sắc chính trị và vỗ an dân tình trong nước tại mỗi quốc gia! Hơn nữa, thế giới ngày nay đã văn minh hơn thời chiến tranh thế giới thứ nhất và thế chiến thứ hai (?), các định chế tài chính, chính trị vì quyền lợi đại cuộc sẽ can thiệp.

 

Không ai muốn nhìn tài sản của mình mất giá! Chính phủ Mỹ nếu muốn áp thuế phá giá chống Trung Quốc hay các quốc gia khác cũng sẽ phải cân nhắc vì việc chống này có khi là chống lại chính các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc, chính các doanh nghiệp Mỹ này đang có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, tận dụng giá nhân công rẻ, sản xuất hàng giá rẻ bán lại vào nước Mỹ!

 

Trung Quốc cũng có các quyền lợi sống còn phải dung hòa lợi ích kinh tế và hợp tác với Mỹ (nếu Mỹ in thêm tiền, phá giá đồng tiền một cách tương tự, các quốc gia khác cũng rục rịch làm theo, tình hình sẽ rối).

 

Hầm trú ẩn thực sự nằm ở sức mạnh nội tại của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân. Tâm hồn và lương tri của dân tộc. Năng suất lao động là quyết định.

 

Nếu mỗi công nhân Việt Nam chỉ lắp ráp được 10 tivi so với 40 tivi cho một công nhân tại một quốc gia khác trong cùng một đơn vị thời gian; nếu mỗi hecta đất trồng bắp ở Việt Nam chỉ thu được 4-5 tấn so với 20 tấn ở quốc gia khác; nếu thủ tục khai báo hải quan, khai báo thuế và các thủ tục hành chính khác trung bình của doanh nghiệp Việt Nam đều mất thời gian gấp đôi, gấp ba lần so với quốc gia khác; nếu số lượng công chức nhà nước bình quân trên dân số Việt Nam cao gấp đôi Thái Lan, bộ máy luôn cồng kềnh hơn, nhũng nhiễu và lãng phí, hiệu quả kém hơn...v.v.. thì về lâu dài còn đáng sợ hơn cả các xung đột tiền tệ giữa các quốc gia, vì việc biến động tỷ giá vài phần trăm, vài chục phần trăm, dù sao cũng chỉ làm hàng hóa đắt hơn hay rẻ hơn hoặc tệ hơn là khan hiếm hàng hóa cục bộ và nhất thời mà thôi!

 

Nếu tâm lý hoảng loạn, đua nhau mua vàng, đua nhau đầu cơ, tích trữ ngoại tệ, hàng hóa nguyên vật liệu thắng thế, nền sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tự làm tổn thương lẫn nhau!

 

Lao động siêng năng, cần cù, cải cách liên tục, nâng cao năng suất chất lượng có thể là chìa khóa.