Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng. Theo ông, điều này ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào trong trung hạn và dài hạn?
Nếu cuộc chiến này tiếp tục leo thang thì sẽ ảnh hưởng xấu với Việt Nam, bởi sẽ tạo ra sự bất ổn cao, ảnh hưởng đến vấn đề dịch chuyển dòng vốn và đầu tư khi các nước phát triển thay đổi chính sách do động thái của Hoa Kỳ.
Sự bất ổn đồng thời tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán, vì trong bối cảnh bất định, nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi hoặc tìm kênh đầu tư an toàn hơn, thay vì bỏ vốn vào chứng khoán. Sự bất định càng kéo dài sẽ càng kéo theo nhiều hệ lụy cho hoạt động đầu tư, thương mại, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế...
Một số ý kiến cho rằng, việc Mỹ tăng thuế sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc tràn sang Việt Nam trong thời gian tới. Ông nghĩ sao về điều này?
Từ đầu tháng 7/2018, Mỹ chính thức áp thuế 25% vào một số mặt hàng của Trung Quốc. Tuy nhiên, quy mô thực chất chưa phải là quá lớn.
Những mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế không liên quan trực tiếp tới những mặt hàng quen thuộc trong thương mại Trung Quốc - Việt Nam. Vậy nên, trước mắt, khó xảy ra chuyện hàng Trung Quốc không xuất được qua Mỹ sẽ tràn sang Việt Nam.
Việt Nam có thể chớp lấy thời cơ này để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, thưa ông?
Hàng hóa Việt Nam tuy có lợi thế, nhưng vẫn khó có thể vào thị trường Mỹ một cách dễ dàng, bởi hàng hóa Trung Quốc vốn có sức cạnh tranh rất mạnh trên thị trường quốc tế.
Với một thị trường lớn và quan trọng như Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có thể chịu được mức thuế cao và sẽ có biện pháp ứng phó để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này.
Mặt khác, một số mặt hàng nông sản của Mỹ lại có khả năng vào thị trường Việt Nam, bởi các doanh nghiệp Mỹ cũng cần thị trường mới để đẩy mạnh việc xuất khẩu khi hàng hóa vào Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.
Khi chiến tranh thương mại leo thang, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng thế nào?
Tổng thống Donald Trump từng phát biểu, Mỹ có thể nâng mức thuế thêm 10%, thậm chí áp thuế cao lên tất cả mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (trị giá khoảng 500 tỷ USD).
Lúc này, việc hàng hóa Trung Quốc tràn sang Việt Nam có thể xảy ra và Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để cạnh tranh với Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ.
Thế nhưng, khi chiến tranh thương mại leo thang và kéo dài, yếu tố bất ổn sẽ càng lớn, làm suy giảm sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế thế giới, khi đó lại gây bất lợi cho việc xuất khẩu của Việt Nam trên
diện rộng.
Nhìn một cách tổng thể về tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo ông, Việt Nam cần hành động như thế nào?
Tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam có thể diễn ra ở nhiều chiều, cả trong ngắn, trung và dài hạn.
Song, nhìn tổng thể, Việt Nam cần ứng phó theo 3 hướng: Thứ nhất, bám sát, đánh giá tình hình để đề ra các kịch bản ứng phó kịp thời, trong đó cần đặc biệt chú ý sự tương tác của 2 nước Mỹ và Trung Quốc; thứ hai, nỗ lực cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế; thứ ba, nâng cao quản trị rủi ro, ổn định vĩ mô, tạo sự linh hoạt nhất định cho chính sách vĩ mô, lành mạnh hóa hệ thống tài chính - ngân hàng để tăng sức mạnh, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc có thể xảy đến.
Cùng với việc nỗ lực tăng cường sức mạnh nội lực của nền kinh tế, theo ông, Việt Nam còn có cách ứng phó nào khác?
Một trong những chính sách được nghĩ đến đầu tiên đó là tỷ giá. Do dịch chuyển dòng vốn, nhiều nước trong đó có Trung Quốc, dùng tỷ giá như một cách thức để tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Việc này sẽ gây áp lực trực tiếp đối với hàng hóa Việt Nam.
Ở một góc độ nào đó, việc dùng tỷ giá để tăng khả năng cạnh tranh, tạo sự linh hoạt là cần thiết.
Thế nhưng, tác động của chính sách tỷ giá là nhiều chiều, ảnh hưởng đến dòng vốn và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là chính sách mà Hoa Kỳ đánh giá là sự cạnh tranh không công bằng. Do đó, Việt Nam phải cẩn trọng khi sử dụng chính sách này.
Một cách thức khác mà Việt Nam có thể áp dụng trong hoạt động xuất khẩu, đó là tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên, cách này có thể gây ra những phản ứng không mong muốn từ phía đối tác, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Nói tóm lại, trước cuộc chiến thương mại mang quy mô toàn cầu như cuộc chiến Mỹ - Trung, Việt Nam cần chú trọng vào năng lực cạnh tranh thực chất, tăng cường quản trị rủi ro, tận dụng mọi ngóc ngách, mọi cơ hội để phát triển. Tôi hy vọng, trong cái khó sẽ ló cái khôn.