Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Chỉ số Niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam giảm nhẹ trong quý II/2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiệp hội đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) vừa công bố kết quả Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2023. Theo đó, chỉ số niềm tin với thị trường Việt Nam giảm 4,5 điểm, xuống ở mức 43,5 điểm.

BCI cho thấy, số lượt phản hồi bi quan liên quan đến tình hình kinh doanh hiện tại tăng tới 10% và tăng 6% trong quý sắp tới. Ở chiều ngược lại, báo cáo cũng cho thấy, số lượng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh trong quý III/2023 đã tăng 9% so với đánh giá của họ cho quý II/2023.

Theo báo cáo, các doanh nghiệp đang thận trọng đánh giá toàn cảnh, tập trung vào việc tối ưu hóa doanh thu và đơn hàng, với mức tăng nhẹ 4% trong tỷ lệ các công ty dự đoán sự sụt giảm trong hai lĩnh vực trên. Ngoài ra, số lượng các công ty có kế hoạch quản lý chặt chẽ các khoản đầu tư trong quý tới đã tăng thêm 7%.

Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế mà cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam phải đối mặt trong quý II/2023, bao gồm sự ảnh hưởng của tình trạng thiếu điện đối với hoạt động kinh doanh; phát triển cơ sở hạ tầng không đầy đủ; sự dịch chuyển các hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam giảm…

Lấy ví dụ vấn đề rào cản đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo BCI, các doanh nghiệp được khảo sát nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tài chính để nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, các quy định không rõ ràng (53%) và thủ tục hành chính rườm rà (50%) là những rào cản pháp lý chính hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Hay với câu chuyện suy giảm làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc. Theo BCI, các dự định và thực tế về việc chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã giảm đi, với phần lớn (81%) các công ty chưa dịch chuyển bất kỳ hoạt động sản xuất nào. Trong số đó, chỉ có 3% doanh nghiệp đang xem xét việc dịch chuyển, và 2% đã chủ động lên kế hoạch cho việc dịch chuyển.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham đánh giá, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu, và đang phải chịu tác động lớn bởi tình hình khó khăn toàn cầu. Sự sụt giảm về xuất khẩu và các đơn hàng đã tác động lớn đến các doanh nghiệp châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Chỉ số BCI cho thấy rõ viễn cảnh ảm đạm hiện nay. Dù Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp thiết thực, bước đầu cho thấy hiệu quả, nhưng các doanh nghiệp thành viên đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về các vấn đề được nêu ra trong báo cáo BCI.

“Ví dụ về vấn đề thiếu điện, Chính phủ nên tập trung vào việc phát triển các kế hoạch dài hạn, vì việc này có khả năng xảy ra theo chu kỳ. Bằng cách hành động nhanh chóng và toàn diện, chúng ta không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài, mà còn đảm bảo một nền kinh tế vững mạnh và có khả năng vượt qua trở ngại trong tương lai. Vấn đề thời gian rất quan trọng, vì vậy chúng ta phải hành động nhanh chóng và quyết liệt để đảm bảo một tương lai thịnh vượng cho Việt Nam. EuroCham luôn sẵn sàng hỗ trợ thông qua đối thoại và tham vấn chính sách”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

Tin bài liên quan