Cuộc chiến tư duy và “con ngựa thành Troy”
Vào một ngày đầu xuân năm 1984, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo về các vấn đề lý luận và thực tế Việt Nam. Tân Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới Võ Đại Lược được giao báo cáo Chính sách Kinh tế mới (NEP) của Lênin và ý nghĩa của nó đối với việc giải quyết các vấn đề kinh tế Việt Nam.
Trong báo cáo này, ông Lược đã phân tích 2 tư tưởng cơ bản, đó là sử dụng các quan hệ hàng hóa - tiền tệ và sử dụng các thành phần kinh tế dưới hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước trong điều kiện nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Ông cho rằng, Việt Nam có thể áp dụng NEP, vì điều kiện của Việt Nam khi đó rất giống nước Nga đầu những năm 1920. Đó là mọi thứ đều thực hiện theo kế hoạch pháp lệnh giao từ trên xuống và nền kinh tế chỉ có hai thành phần chính là quốc doanh và hợp tác xã, cùng một chút kinh tế gia đình.
“Dù được xếp trình bày đầu tiên, nhưng tôi đã không được nói”, ông Lược kể lại số phận của một báo cáo đúng 36 năm trước. Khi đó, ông đã rất tiếc nuối, vì trong kho tàng của chủ nghĩa Mác - Lênin, NEP là vũ khí duy nhất có thể áp dụng để khởi xướng công cuộc đổi mới, mà không sợ các tư tưởng bảo thủ tấn công.
Điều gì khiến ông cho rằng, chỉ có đổi mới tư duy mới tạo nên các bước bứt phá của đất nước, của nền kinh tế?
Báo cáo về NEP của tôi sau đó cũng có cơ hội trình bày tại Tiểu ban Triết - Kinh tế - Luật, nhưng hầu như bị phản đối. Cũng may, GS. Đặng Xuân Kỳ, Trưởng ban đã gửi toàn bộ báo cáo cho đồng chí Trường Chinh. Mấy tháng sau, tôi đã nhận được thư của anh Hà Nghiệp, trợ lý của đồng chí Trường Chinh mời tham gia Nhóm nghiên cứu... Và tôi đã chứng kiến cuộc đấu tranh tư tưởng rất lớn ngay trong nội bộ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Khi đó, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh, Nhóm nghiên cứu đã viết Báo cáo Chính trị Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam với tinh thần đổi mới, đó là bãi bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, chuyển sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Nhóm chúng tôi đã viết báo cáo này, song song với báo cáo của Tổ Biên tập được Bộ Chính trị thành lập.
Cuộc thảo luận về nội dung báo cáo rất gay gắt. Hầu hết các đồng chí trong Bộ Chính trị không tán thành Báo cáo do đồng chí Trường Chinh chủ trì. Không ít người đã phê phán đồng chí Trường Chinh là “người đi theo chủ nghĩa xã hội thị trường”, là “con ngựa thành Troy”...
Nhưng ông đã rất quyết liệt bảo vệ quan điểm, bằng việc yêu cầu chúng tôi tiếp tục đưa ra các nghiên cứu, phân tích. Đặc biệt, ông đã sang Liên Xô tham khảo ý kiến của lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô...
Về sau thì ai cũng biết, cuộc họp trù bị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước Đại hội VI đã diễn ra rất thuận, hầu hết ủy viên Trung ương Đảng đã tán đồng tinh thần đổi mới. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, báo cáo này đã được Đại hội nhất trí thông qua.
Đây là đóng góp to lớn của đồng chí Trường Chinh cho việc khởi xướng công cuộc đổi mới ở Việt Nam, nhưng cũng cho thấy, cuộc đấu tranh với tư duy cũ, thói quen cũ không hề dễ dàng. Trên thực tế, việc thực hiện những quan điểm mới, tư duy đột phá của Đại hội VI của Đảng phải mất tới 3 năm để có kết quả đầu tiên.
Khi đó, mặc dù 3 chương trình là sản xuất lương thực - thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và sản xuất hàng xuất khẩu đã được thực hiện theo nghị quyết của Đại hội VI, nhưng đến năm 1989 vẫn không thu được kết quả rõ rệt. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn gạo...
Mấu chốt là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chưa đụng đến việc xóa bỏ chế độ kế hoạch hóa, quan liêu bao cấp, chưa tự do hóa kinh tế và lạm phát còn rất cao, trên 100%/năm. Khi đó, không dễ thực hiện ngay tư duy này.
Sau này, nhiều quan điểm cho rằng, nhờ khoán 10, khoán 100 mà Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo vào năm 1989. Tôi cho rằng, không hẳn như vậy. Đúng là các cuộc phá rào ở cấp cơ sở đã cho người nông dân được quyền làm việc trên mảnh đất của mình, nhưng vì vẫn giữ chính sách Nhà nước thu mua, nghĩa là đầu ra bị giới hạn, nên động lực sản xuất hàng hóa chưa có.
Sự thay đổi về tư duy theo hướng chuyển sang kinh tế hàng hóa, mở cửa hội nhập quốc tế đã tạo ra những bứt phá lớn trong phát triển kinh tế. Ảnh: Đức Thanh
Tôi còn nhớ, đầu năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười vẫn phải đặt kế hoạch nhập 200.000 tấn lương thực.
Mọi việc chỉ thực sự chuyển biến khi ông Đỗ Mười đã quyết định thực hiện Chương trình chống lạm phát do tôi đề xuất, trong đó có 3 nội dung quan trọng, gồm thực hiện lãi suất dương; tự do hóa kinh tế, thực sự chuyển sang kinh tế hàng hóa; mở cửa hội nhập quốc tế. Tuy Đề án tên là “Chống lạm phát”, nhưng đã đề cập tất cả các vấn đề đổi mới kinh tế Việt Nam theo tinh thần Đại hội Đảng VI, trong đó quan trọng nhất là xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp...
Đến giữa năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên thừa lương thực, xuất khẩu được 1,4 triệu tấn gạo và lần đầu tiên Việt Nam có dự trữ ngoại tệ.
Chỉ là một ví dụ, nhưng rõ ràng, những bước bứt phá lớn của nền kinh tế, của cả đất nước là nhờ sự thay đổi về tư duy trong Đảng, của những người đứng đầu và sự quyết liệt trong điều hành. Lúc này, thực tiễn đang xuất hiện một số vấn đề, đòi hỏi tiếp tục thay đổi tư duy.
Áp lực thay đổi gia tăng, bắt đầu từ Nhà nước
Hiện tại, kinh tế Việt Nam phát triển khá ổn định, cho dù những biến động bên ngoài diễn biến phức tạp. Nhưng, TSKH Võ Đại Lược vẫn cho rằng, đòi hỏi đổi mới tư duy đang rất mạnh mẽ. “Nếu Chính phủ duy trì công tác điều hành tốt, thì năm nay, tăng trưởng GDP sẽ đạt trên dưới 7%. Nhưng, mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới là phải trở thành quốc gia phát triển vào năm 2030, năm 2045. Giờ là lúc phải bàn cách thực hiện mục tiêu này”, ông Lược nói.
Vào thời điểm này, đòi hỏi đổi mới tư duy nên được nhìn nhận thế nào, thưa ông?
Chúng ta đang sống trong môi trường hội nhập sâu rộng, nên chỉ cần đặt mô hình phát triển của Việt Nam bên cạnh các nền kinh tế thị trường hiện đại khác là sẽ thấy những vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Thứ nhất, đó là yêu cầu tuân thủ quy luật thị trường của nền kinh tế thị trường hiện đại. Phân tích thị trường đất đai, thị trường lao động, có thể thấy, chúng ta chưa làm được.
Ngay ở quê tôi, nhiều người đã thoát ly, nhưng vẫn phải giữ tên để giữ suất ruộng, nên mới có chuyện người có ruộng để không, người cần thì không có... Nếu người nông dân có quyền chuyển nhượng mảnh ruộng của mình, thì sẽ giải được bài toán trên...
Thứ hai, khu vực doanh nghiệp tư nhân sau bao nhiêu năm được thừa nhận vẫn chỉ chiếm chưa đến 10% GDP. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước vẫn đang là một bài toán khó giải, khi năm vừa rồi, cổ phần hóa chỉ được 28% kế hoạch Chính phủ công bố…
Phải nhấn mạnh, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, chấp nhận cạnh tranh toàn cầu, nên nếu không xử lý triệt để các khúc mắc trong tư duy phát triển, thì sẽ rất khó tạo bứt phá về kinh tế.
Đây là lúc tư duy về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải được làm rõ, không để định hướng xã hội chủ nghĩa làm sai lệch về quy luật thị trường trong lĩnh vực đất đai, làm sai lệch hay chậm trễ các nỗ lực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Cũng có ý chuyên gia cho rằng, tại các nền kinh tế thị trường phát triển, sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân là tất yếu. Nhưng ở Việt Nam, dường như vẫn có cái gì đó lo ngại về sự lớn mạnh của khu vực này và nguyên do sâu xa vẫn là tư duy, thưa ông?
Tôi đồng ý với quan điểm này. Các nền kinh tế thị trường hiện đại, phát triển luôn có những thương hiệu của doanh nghiệp tư nhân đi cùng.
Rõ ràng, doanh nghiệp tư nhân mới là nền tảng phát triển, chủ lực của nền kinh tế. Đây là vấn đề lớn, đã được các văn kiện của Đảng qua các thời kỳ dần thừa nhận, xem trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói là có thể phong anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân có đóng góp lớn cho nền kinh tế...
Chính phủ, Thủ tướng cũng rất quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn kêu ca về những rào cản, thủ tục hành chính, quy định pháp luật... chồng chéo, chưa thuận lợi, thậm chí còn cản trở sự phát triển của họ.
Chúng ta đã có tư duy đúng về cải cách doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng việc thực thi chậm, nên vẫn chưa thành công. Thậm chí, nếu tỷ lệ vốn nhà nước trong doanh nghiệp cao, thì không những không thể thay đổi quản trị của doanh nghiệp, mà còn là cái cớ để thúc đẩy tư duy kéo dài ưu ái với doanh nghiệp nhà nước...
Tóm lại, nền kinh tế Việt Nam đã tham gia thị trường thế giới một cách mạnh mẽ, mở cửa sâu rộng, đứng trước áp lực cạnh tranh toàn cầu, đòi hỏi Nhà nước đổi mới hơn nữa, doanh nghiệp đổi mới hơn nữa.
Với yêu cầu đổi mới này, Nhà nước phải thay đổi trước...
Chắc chắn là vậy. Và để Nhà nước làm trước, cần sự thay đổi tư duy trong Đảng, từ những người đứng đầu.
Tôi muốn nhắc đến bài học làm thí điểm với những giải pháp mới, tư duy mới. Khi quyết định thực hiện lãi suất dương, nhiều người phản ứng mạnh vì lo các phản ứng tiêu cực. Khi đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười rất thận trọng, cử đoàn cán bộ xuống Hải Phòng làm thí điểm. Kết quả cho thấy, việc thực hiện các biện pháp trên không gây ra rối loạn kinh tế - xã hội như có ý kiến lo ngại, từ đó đề nghị áp dụng trên phạm vi cả nước...
Bài học này vẫn còn nguyên giá trị với những tư duy mới, đột phá, kể cả tư duy về kinh tế, chính trị và các vấn đề xã hội... Nhưng mấu chốt vẫn là phải dám thay đổi, dám làm vì sự phát triển thực sự của đất nước.