Vậy cách nào để Hợp tác xã duy trì và phát triển, phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, các giải pháp đã được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) hiệu quả gắn với chuỗi giá trị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 17/8, tại Hà Nội.
Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Nghị cho biết, HTX đã ra đời từ lâu ở Việt Nam và trải qua nhiều năm hình thành, phát triển. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội đã và đang thay đổi, đòi hỏi các HTX cũng phải thay đổi để hoạt động phù hợp và hiệu quả hơn.
Theo đó, Luật HTX đã ra đời, tạo nền tảng và điều kiện đầy đủ để HTX ra đời, phát triển mạnh hơn trong giai đoạn mới, gắn liền với quá trình hội nhập quốc tế. Trong đó, vấn đề đặt ra là, cơ quan quản lý các cấp cần theo sát tình hình, tìm giải pháp quản lý hợp lý, kịp thời hỗ trợ HTX một cách thiết thực, phù hợp thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, mỗi HTX cũng cần tập trung cải thiện sức cạnh tranh; chủ động trong huy động và sử dụng các nguồn lực tổng hợp, nhấn mạnh vai trò của việc ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng như nâng cao hiệu quả quản trị kết hợp với hoạt động xây dựng thương hiệu và tiếp thị, xúc tiến thương mại.
HTX phải chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất cũng như sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, với sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đáp ứng yêu cầu trong nước cũng như tham gia chuỗi giá trị toàn cầu...
Theo ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang, HTX nên đại diện cho các hộ ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa với doanh nghiệp, trong đó HTX nhận giống, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón từ doanh nghiệp rồi cung cấp cho các hộ tham gia liên kết. HTX được nhận tiền hoa hồng tương ứng với tổng doanh thu các mặt hàng mình đã đảm nhận, phục vụ các hộ.
HTX cùng với cán bộ kỹ thuật tham gia giám sát, hỗ trợ các hộ trong quá trình sản xuất, tiếp thu ý kiến và phản hồi với các đối tác, khách hàng khi có vấn đề cần thiết...
Ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Liên minh HTX Bình Thuận cho rằng, vừa qua tỉnh đã xây dựng mô hình Liên hiệp HTX thanh long làm đầu mối và nòng cốt, khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, có định hướng để mở ra hướng đi tích cực và giúp cho sản xuất gắn tiêu thụ ổn định.
Hiện, Bình Thuận có 14 HTX và 2 Liên minh HTX thanh long với 251 thành viên tham gia, diện tích 1.548 ha, sản lượng ước tính 38.269 tấn. Các HTX tham gia vào liên hiệp HTX thanh long tạo thành chuỗi cung ứng với quy mô và sản lượng lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tìm kiếm các thị trường trong nước và quốc tế đặc biệt là thị trường châu Âu.
Thành viên của một số HTX thanh long được cấp mã Code vùng trồng, nhằm cung cấp sản phẩm để liên hiệp HTX thanh long xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Dubai…
Sau một năm triển khai, mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hoá chủ lực, có quy mô và sức lan toả rộng, cách làm hiệu quả, các thành viên tham gia nhiệt tình và tính tuân thủ quy trình.
Theo số liệu thống kê, tính đến nay Việt Nam có hơn 19.500 HTX, trong đó chủ yếu tập trung và một số lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, vận tải, tín dụng, thủ công nghiệp... Tuy nhiên, hiện chỉ có 1/3 tổng số đơn vị hoạt động có hiệu quả, bên cạnh hơn 2.600 HTX đã giải thể. Như vậy, chất lượng, ‘sức sống’ của HTX đang là vấn đề nan giải, cần nhận được sự hỗ trợ và điều kiện thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương. Ngoài ra, nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của HTX, về Luật HTX chưa thống chất, còn lúng túng trong cách ứng xử từ phía cơ quan chức năng, chính sách hỗ trợ cũng thiếu tập trung, phân tán, chưa đồng bộ... |