Và xuyên suốt trong các ngày chất vấn, đặc biệt trong phiên đầu tiên, với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, các “món nợ” trên đã liên tục được nhắc đến. Không chỉ là nợ công, hay nợ xấu, các đại biểu Quốc hội còn liên tục “đòi” các thành viên Chính phủ các món nợ khác.
Chẳng hạn, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) thẳng thắn đòi nợ Bộ Tài chính, Bộ Công thương câu chuyện hoàn thành Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. “Từ năm 2011, các bộ đã nhiều lần hứa là sớm sửa đổi nghị định này, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tôi đã kiên nhẫn nhiều lần đòi nợ lời hứa này, nhưng cho đến nay, không có kết quả và điều này đồng nghĩa với việc những hạn chế nêu trên vẫn tồn tại và thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng”, đại biểu Lê Thị Nga bức xúc và thậm chí đặt câu hỏi đối với hai bộ trưởng Tài chính và Công thương về việc “cho biết trách nhiệm của mình trong việc không thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội và trước cử tri cả nước về việc tiến độ sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP”.
Trong khi đó, băn khoăn của đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) về việc “Chính phủ có phải trả nợ thay hay không” đã được đặt ra khi nhắc tới món nợ của hai “ông lớn” Vinashin, Vinalines, mà Chính phủ cho vay hoặc bảo lãnh cho vay, đã và đang đến kỳ đáo hạn.
Một món nợ khác, cũng được các đại biểu Quốc hội đề cập là nợ xây dựng cơ bản. Ngoài ra, còn là nợ đối với những giải trình về việc minh bạch hóa giá xăng, giá điện, việc mua - bán lại nợ xấu, thậm chí là nợ đối với quyết tâm cải cách, cổ phần hóa hệ thống doanh nghiệp nhà nước… Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tỷ lệ nợ công thay đổi không nhiều qua các năm (năm 2010 là 51,7%, năm 2011 là 50,1%, năm 2012 là 50,8%, năm 2013 là 53,4%...) và tỷ lệ này nằm trong ngưỡng 65% mà Quốc hội cho phép. Kể cả nợ Chính phủ cũng hiện chỉ ở mức 41,5%, thấp hơn chỉ tiêu 55% Quốc hội cho phép.
Với nợ xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tổng nợ xây dựng cơ bản của ngân sách nhà nước chỉ còn 27.600 tỷ đồng. “Điều quan trọng là chúng ta hoàn toàn kiểm soát được nợ xây dựng cơ bản”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.
Dẫu các câu hỏi đặt ra đã được các thành viên Chính phủ trả lời khá thẳng thắn thì sau 2,5 ngày trả lời chất vấn, vẫn còn nhiều “món nợ” cần phải trả. Chỉ đơn cử với nợ công, trách nhiệm và món nợ mà Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phải trả, đó là làm sao thực hiện thành công các giải pháp để vừa hạn chế, vừa trả được nợ công.
Chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nhấn mạnh rằng, vì những đe dọa đến an ninh tài chính vĩ mô, Bộ trưởng phải lo cơ cấu lại nguồn vay để hình thành nợ công, cân đối lại nguồn thu ngân sách nhà nước và cân đối thu chi để đảm bảo khả năng trả nợ, cũng như làm sao giải quyết vấn đề nợ đọng thuế, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…
Đại biểu Lê Thị Nga, dù cho rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời khá tốt, đi thẳng vào các vấn đề và rất thông cảm khi ghi nhận những tích cực của các Bộ liên quan đến sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP vẫn nhấn mạnh “cẩn trọng gì thì cũng phải có thời hạn”. “Trong ba năm mà không sửa được một nghị định thì rất khó khăn trong thực tế điều hành”, đại biểu Lê Thị Nga nói.
Đây rõ ràng là những món nợ mà không thể giải quyết chỉ bằng những câu trả lời chất vấn trên nghị trường Quốc hội, mà phải bằng các giải pháp triển khai trên thực tế. Bởi thực tế cho thấy, các món nợ này không dễ để trả.
Chưa kể, khi điều hành tại các phiên chất vấn của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nhắc đi nhắc lại việc nợ văn bản pháp luật, một vấn đề được coi là rất nghiêm trọng, và “có vấn đề” mà nếu không có giải pháp đột phá thì không giải quyết được.
Khi hệ thống luật pháp không được hoàn thiện, các món nợ sẽ càng khó được trả một cách thỏa đáng.