Quan sát thị trường thời gian qua, với khối FDI, có chuyển biến nào đáng chú ý trong mối quan tâm đầu tư ở thị trường Việt Nam không?
Mức độ quan tâm đầu tư vào Việt Nam tiếp tục tăng. Trong 6 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký mới tăng 46,9% và vốn FDI thực hiện tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Điều này chứng minh Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI nhằm phân tán rủi ro trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định.
Còn về chất lượng dòng vốn thì sao?
Chất lượng của các dự án đầu tư FDI cũng có dấu hiện cải thiện, với nhiều dự án được triển khai trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng.
Samsung mới đây đã đề cập đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, để tránh ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của Samsung Việt Nam, Tập đoàn Samsung cho biết mong muốn Chính phủ Việt Nam nhanh chóng xem xét và có giải pháp về nội dung này. Ông thấy sự quan tâm của các FDI với vấn đề này ra sao?
Thực chất, nhà đầu tư quan tâm đến rất nhiều yếu tố trong quá trình tìm kiếm địa điểm thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) cũng là một trong những lo ngại mà nhà đầu tư FDI đề cập với chúng tôi, nhưng thực tế nó không phải là rào cản chính trong mắt doanh nghiệp sản xuất nước ngoài.
Những quan ngại của nhà đầu tư vẫn tiếp tục xoay quanh các thách thức pháp lý kéo dài như đã đề cập, gồm thủ tục hành chính phức tạp; quy định chưa rõ ràng, nhất quán; cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ…
Có kinh nghiệm nào về ứng xử với câu chuyện thuế để vừa thu hút được đầu tư, vừa không ảnh hưởng đến quyền lợi của Việt Nam mà ông ghi nhận được không?
Về việc thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, một số quốc gia đã bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ, bù đắp các khoản phải trả của nhà đầu tư. Mỹ đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ hàng trăm tỷ USD nhắm vào các lĩnh vực ưu tiên. Singapore, Malaysia và Indonesia đã ban hành thuế bổ sung tối thiểu nội địa, trong khi Ban Đầu tư của Nội các Thái Lan đã đề xuất cấp tiền mặt cho các khoản đầu tư dài hạn đủ điều kiện. Việt Nam cũng dự kiến ban hành Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư vào tháng 10.
Điện mặt trời áp mái được lắp ở KCN Long Hậu. Ảnh: Bình Minh. |
Nhiều nhà đầu tư lớn lo ngại về nguồn cung điện, ông có nhận được phản hồi về điều này?
Chúng tôi vẫn đang tiếp nhận thông tin về lo ngại thiếu điện khi tư vấn địa điểm cho các nhà đầu tư nước ngoài có ý định thuê đất công nghiệp. Mối quan tâm của họ là điều có thể hiểu được vì các ngành sản xuất, nhất là lắp ráp linh kiện điện tử, đòi hỏi nguồn điện công suất lớn và liên tục để vận hành máy móc.
Điện áp mái có phải là giải pháp với các khu công nghiệp không?
Phát triển điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện áp mái, có thể là giải pháp. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư KCN đã chủ động đầu tư lắp điện mặt trời mái nhà và trạm biến áp để tiết kiệm chi phí sử dụng điện và phần nào tự chủ nguồn điện. Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định cho phép mua bán trực tiếp điện năng lượng tái tạo không qua EVN (thông qua đường dây riêng), góp phần khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào việc lắp đặt điện áp mái.
Về dài hạn, năng lượng sạch là xu thế phát triển tất yếu để Việt Nam thu hút các ngành công nghệ cao như bán dẫn. Ngày càng nhiều dự án nhà máy, nhà xưởng hướng đến chứng chỉ xanh như LEED để đủ điều kiện nhận đơn đặt hàng từ các tập đoàn công nghệ lớn.