Số liệu thống kê mới nhất của Thomson Reuters cho thấy, từ đầu năm đến nay, tổng các thương vụ M&A của Trung Quốc ở thị trường nước ngoài giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do nước này hạn chế dòng vốn chảy ra bên ngoài.
Ngược lại, các giao dịch M&A trong nước tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến giá trị các thương vụ trong năm nay sẽ nhanh chóng vượt qua mức 46 tỷ USD của năm 2016.
Mở cửa rộng hơn
Dòng tiền đổ vào Trung Quốc để thực hiện các thương vụ M&A và đầu tư tăng nhanh sau khi nước này nới lỏng quy định giao dịch và tiếp tục cải cách quy trình niêm yết cổ phiếu sau khi phát hành lần đầu ra công chúng (IPO), qua đó trao cho các công ty cơ hội tiếp cận lớn hơn thị trường vốn Đại lục.
Giới phân tích cho rằng, động lực chủ chốt đằng sau những cải cách trên của Trung Quốc là nhu cầu cân bằng tài khoản vốn và cán cân thanh toán sau khi hoạt động đầu tư ra nước ngoài lập kỷ lục trong năm 2016, đồng thời nhằm xoa dịu dư luận nước ngoài rằng, Trung Quốc luôn hoan nghênh các nhà đầu tư quốc tế và đối xử công bằng với họ.
Ở tầm vĩ mô, việc dòng vốn đầu tư đổ vào Trung Quốc tăng mạnh có một phần nguyên nhân từ sự suy yếu của đồng nhân dân tệ, những giá trị hấp dẫn trong dài hạn khi tăng trưởng GDP của Trung Quốc được điều chỉnh theo hướng “bình thường mới” và sự trưởng thành của nền kinh tế nước này khi cho phép khối ngoại tham gia vào quá trình kiểm soát và vận hành các thương vụ.
Cho dù động lực đằng sau sự điều chỉnh chính sách này là gì thì kết quả của nó cũng tương ứng với các tôn chỉ mở rộng thương mại tự do của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là một tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm các giá trị sinh lời từ hoạt động M&A tại Trung Quốc. Một số lĩnh vực vốn luôn bị đặt trong tầm ngắm “nhạy cảm” như chăm sóc sức khỏe, có thể chứng kiến sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, đóng góp đáng kể vào giảm tải gánh nặng cho hệ thống bệnh viện của Trung Quốc.
Hoạt động M&A trong nước bùng nổ, lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cũng sẽ trở thành mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, khu vực công nghệ, truyền thông và viễn thông có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, song song với sự bùng nổ của thương mại điện tử và di động.
Triển vọng trung hạn của M&A
Trong trung và dài hạn, các biện pháp của Chính phủ Trung Quốc được nhận định sẽ đảm bảo môi trường M&A lành mạnh hơn ở nước này, đảm bảo chất lượng giao dịch, tính minh bạch lớn hơn và loại bỏ các thương vụ có thể bóp méo giá trị tài sản thực tế.
Tuy nhiên, đối với các thương vụ M&A ở nước ngoài của Trung Quốc, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump mở rộng phạm vi kiểm soát của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ, cơ quan cung cấp khuyến nghị cho ông chủ Nhà Trắng về các thương vụ đầu tư và M&A các công ty Mỹ, có thể trở thành một rào cản lớn. Các thương vụ có sự hiện diện của nhà đầu tư Trung Quốc trong các lĩnh vực như công nghệ, viễn thông và quốc phòng tại Mỹ có thể sẽ phải xem xét lại vì lý do an ninh, quốc phòng.
Sự không chắc chắn tại Mỹ buộc Trung Quốc phải chuyển hướng tập trung vào một số thị trường M&A khác như Anh và Đức. Trong bối cảnh Anh đang khởi động tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đầu tư của Trung Quốc tại “xứ sở sương mù” sẽ tập trung vào các lĩnh vực tiêu dùng như du lịch, bất động sản và cơ sở hạ tầng. Đức cũng đang chứng kiến mức độ quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, khi tham vọng của doanh nghiệp Trung Quốc là tiếp cận và sở hữu các tài sản trí tuệ đẳng cấp thế giới.
Tại châu Á, các thương vụ M&A lớn chủ yếu xuất phát từ Singapore và Hồng Kông trong lĩnh vực bất động sản và dịch vụ tài chính, song cũng có thể sẽ có sự chuyển hướng sang các quốc gia khác tại Đông Nam Á, Trung Đông và Đông Âu, dọc theo sáng kiến “Một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc xây dựng.