Xin ông cho biết, hoạt động của DIC đang chịu ảnh hưởng như thế nào bởi đại dịch Covid-19?
Là tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề, trong đó tập trung đầu tư bất động sản với 2 lĩnh vực mũi nhọn là Homes & Land (khu đô thị, nhà ở, chung cư, biệt thự...) và Hotels & Resorts (khách sạn, resort, golf, khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái), Covid-19 đã tác động đến nhiều phân khúc bất động sản, đặc biệt ngành dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Hệ thống khách sạn trên cả nước gần như tê liệt vì không có khách du lịch, nghỉ dưỡng, công tác.
DIC hiện có 3 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, 1 khách sạn tiêu chuẩn 4 sao và 1 khách sạn tiêu chuẩn 3 sao, khoảng gần 1.000 phòng.
Tổng công ty đã tạm đóng cửa hệ thống khách sạn, nhưng bộ máy vẫn phải duy trì, chi phí mỗi tháng rất lớn.
Dịch bệnh Covid-19 cũng làm gián đoạn công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm và bán hàng, ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch hoạt động cũng như doanh thu, lợi nhuận năm nay của DIC.
Chẳng hạn, doanh nghiệp (DN) dự kiến mở bán một dự án căn hộ nghỉ dưỡng tại TP. Vũng Tàu trong tháng 3/2020, nhưng kế hoạch này phải thay đổi ở phút cuối do Chính phủ cấm hội họp, tụ tập đông người, kêu gọi người dân ở trong nhà nhằm phòng chống dịch.
Trong khi đó, đặc thù của bất động sản là phải bán hàng tập trung đông người để tạo hiệu ứng.
Hay trong quý I/2020, Ban lãnh đạo DIC tiếp xúc với một số nhà đầu tư để chuyển nhượng quỹ đất dự án khoảng 100 ha đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp nên các nhà đầu tư có tâm lý dè chừng, chưa dám đầu tư.
Khi nào hết dịch bệnh, DIC mới tính tới kế hoạch mở bán cũng như đàm phán với các nhà đầu tư trở lại.
Ngoài ra, thực hiện chỉ thị của Chính phủ cấm tụ tập đông người, chính quyền, các sở, ban, ngành địa phương đều hạn chế trao đổi, họp hành, vô hình trung khiến các thủ tục pháp lý, tháo gỡ vướng mắc cho DN bị chậm lại.
Mỗi ngành nghề, DN phải linh hoạt ứng phó với tình hình thị trường. DIC đã chuẩn bị cho mình những kịch bản như thế nào trong năm 2020?
Từ tháng 2/2020, Ban lãnh đạo DIC nhận định, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh nên đã chuẩn bị kỹ những kịch bản để đối phó.
Cụ thể, DIC nghiêm túc triển khai các giải pháp phòng chống dịch, với mục tiêu không có người lao động mắc bệnh để đảm bảo hoạt động vận hành công ty không bị gián đoạn.
Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Chính phủ và Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước, DIC cho rà soát lại các công ty thành viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt đơn vị kinh doanh lĩnh vực dịch vụ du lịch, khách sạn để thống kê thiệt hại, tìm kiếm các giải pháp nhằm thích nghi trong tình hình dịch bệnh.
Ðồng thời, DIC kiến nghị các ban, ngành của tỉnh, cục thuế… đề xuất hỗ trợ đơn vị được miễn, giảm tiền thuê đất, thuế, phí các loại nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, DIC phát động gây quỹ để hỗ trợ cho các công ty thành viên bị ảnh hưởng bởi dịch.
Trong thời gian này, chúng tôi tập trung thực hiện tái cấu trúc bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa và chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất.
Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, DIC sẽ xem xét đến việc kêu gọi cán bộ, công nhân viên chung sức cùng DN trong giai đoạn khó khăn như cắt giảm lương, làm việc luân phiên…
Ban lãnh đạo DIC đã và đang rà soát lại kế hoạch nguồn thu, qua đó nhìn nhận các khoản thu khả quan nhất để tối ưu hóa dòng tiền, đồng thời xem xét lại các khoản chi tiêu cần thiết; có thể xem xét điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2020 để ứng phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh.
Ông nhìn nhận ra sao về khả năng thích ứng của các DN nói chung, lĩnh vực bất động sản nói riêng trong bối cảnh dịch bệnh tác động đến toàn bộ nền kinh tế?
Trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường bất động sản tất yếu sẽ chững lại và là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự đi xuống của nền kinh tế, đặc biệt bất động sản du lịch nghỉ dưỡng càng khó khăn hơn. Nhiều khách sạn, khu du lịch đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động vì vắng khách.
Ðối với các chủ đầu tư, sàn giao dịch giai đoạn này cũng bị ảnh hưởng bởi giao dịch bị ách tắc, thị trường không có thanh khoản, giảm nguồn thu để chi trả cho các hoạt động của DN.
Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Ðây là động thái rất tích cực của Nhà nước, trong đó các DN bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ gói kích thích kinh tế và sớm phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Thực ra, Ban lãnh đạo DIC luôn tâm niệm, trong nguy có cơ, trong khó khăn luôn nhen nhóm cơ hội, giúp DN biến nguy thành cơ.
Hiện nay, dịch Covid-19 gây ra những tác động không nhỏ, nhưng đây cũng là thời điểm để DN tăng cường đào tạo nội bộ, tính toán, điều chỉnh sản phẩm và chiến lược nhằm tăng khả năng thích ứng; đồng thời tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khi thị trường hồi phục thì có thể triển khai dự án, có nguồn sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Hơn nữa, thời kỳ khủng hoảng này cũng góp phần sàng lọc thị trường và lợi thế dành cho DN địa ốc có tiềm lực kinh tế mạnh. Tôi tin tưởng rằng, thị trường sẽ sớm khởi sắc khi trên thế giới và Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19.
Năm nay, thị trường đã sớm dự báo về khả năng suy giảm lợi nhuận của khối DN niêm yết, trước mắt phản ánh trong kết quả kinh doanh quý I/2020. Ông có thể chia sẻ kết quả kinh doanh của DIC trong quý đầu năm cũng như dự kiến cả năm?
Dưới tác động của dịch Covid-19, các DN bất động sản đã phải hủy bỏ, tạm dừng nhiều hoạt động quan trọng như mở bán, quảng bá tiếp thị dự án, tạm đóng cửa sàn giao dịch bất động sản...
Hơn nữa, trong giai đoạn dịch bệnh chưa được kiểm soát, các DN buộc phải có phương án thích nghi, làm quen với thị trường và cải cách phương thức hoạt động kinh doanh và phân phối sản phẩm.
Chính vì thế, nhiều DN sẽ gặp khó khăn giai đoạn đầu để làm quen và thích nghi với hoàn cảnh, kết quả kinh doanh quý I/2020 sẽ phần nào bị ảnh hưởng.
Với DIC, trong quý I/2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ước đạt hơn 150 tỷ đồng. Nhìn chung, các chỉ tiêu tài chính như tổng doanh thu, lợi nhuận... đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Với kịch bản dịch sẽ được kiểm soát vào cuối quý II/2020, ngoài doanh thu dự kiến đến từ 3 dự án trọng điểm là Chung cư Vũng Tàu Gateway, CSJ Tower Vũng Tàu và Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (trong đó, doanh thu đến từ Chung cư Vũng Tàu Gateway chiếm trên 50% và doanh thu này là chắc chắn vì đã chuyển nhượng cho khách hàng), trong các quý tới, DIC sẽ tập trung thay đổi phương thức tiếp cận bán hàng mới, hoàn thiện pháp lý dự án, tái cơ cấu bộ máy, rà soát thu - chi… để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch kinh doanh đã đề ra. Với kịch bản đối phó đã chuẩn bị, DIC sẽ như lò xo bị nén mạnh và bùng nổ sau khi dịch bệnh qua đi.
Theo ông, đâu là những chính sách, giải pháp từ phía Nhà nước hỗ trợ thiết thực cho các DN vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, những hỗ trợ, chính sách từ Nhà nước là phao cứu sinh cho nền kinh tế, trong đó có ngành bất động sản. Ở góc độ là DN bất động sản, các DN rất mong muốn Nhà nước có các chính sách hỗ trợ sau.
Thứ nhất, đưa DN bất động sản vào danh sách đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để được hưởng chính sách về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.
Thứ hai, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các DN bất động sản.
Thứ ba, Chính phủ xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng dự án..., tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi.