Nguyễn Hoàng Trung
Loship - át chủ bài đưa Lozi đến “kỳ lân”
Từ một ứng dụng tìm kiếm đồ ăn, cuối năm 2017, Nguyễn Hoàng Trung và đội ngũ đã phát triển start-up Lozi thành trang thương mại điện tử, đồng thời cho ra mắt nền tảng Loship - giao đồ ăn, thức uống đến người dùng.
Với tiêu chí giao hàng nội thành trong 1 giờ, Loship hiện cung cấp một loạt dịch vụ như giao đồ ăn, giao hàng, thuê xe, giao thuốc và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác.
Nguyễn Hoàng Trung cho biết: “Trên thị trường thời điểm đó không có nhiều dịch vụ có thể cung cấp dịch vụ giao hàng trong một giờ như Loship. Đây vừa là lợi thế cạnh tranh, vừa là động lực tăng trưởng cho start-up, vì nhu cầu khách hàng hiện tại là nhanh chóng và chính xác. Tốc độ giao hàng của start-up càng nhanh, thì cơ hội chiếm thị phần lớn càng cao”.
Đến nay, Loship có hơn 50.000 tài xế và khoảng 200.000 đối tác là nhà hàng. Nền tảng này đang phục vụ hơn 1,5 triệu khách hàng trên cả nước và có khoảng 70.000 giao dịch mỗi ngày.
Chia sẻ ý tưởng Loship, Nguyễn Hoàng Trung cho biết, khi vận hành Lozi, anh nhận thấy sự ra đời của Loship là điều tất yếu, bởi Lozi là một nền tảng đánh giá nhà hàng, quán ăn và thực phẩm, người dùng tìm tới Lozi để đặt một nhà hàng, hoặc món ăn. Nhưng quá trình này dường như thiếu một phần và anh thấy cần Loship để “điền vào chỗ trống”. Anh tin rằng, chỉ có đảm bảo trải nghiệm mua hàng liền mạch, từ đặt hàng, thanh toán tới giao vận, thì sản phẩm tới tay khách hàng mới thực sự trọn vẹn.
Nói thêm kế hoạch trong tương lai, CEO Loship cho biết: “Trong ngắn hạn, chúng tôi muốn làm chủ thị trường nội địa, có thể là tăng gấp 3 lượng giao dịch trong vòng 12 tháng tới, với doanh thu khoảng 31 triệu USD vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, Loship cũng sẽ tìm kiếm các khoản đầu tư tiếp theo. Hiện tại, chúng tôi tiến rất gần tới vòng gọi vốn Series C, dự kiến hoàn tất vào nửa đầu quý III năm nay. Còn với kế hoạch dài hạn, thật khó mà dự đoán được. Tôi chỉ có thể nói rằng, Loship đang để mắt tới thị trường Lào và Campuchia và xa hơn là toàn bộ Đông Nam Á”.
Trước đó, khi mới ra mắt, start-up này đã sớm thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế, đồng thời hứa hẹn trở thành một “kỳ lân” trong tương lai. Ngay trong năm 2017, Loship đã nhận vốn từ một số nhà đầu tư như Quỹ Vietnam Silicon Valley, Golden Gate và DT & Investment. Năm 2019, Loship đã nhận hàng chục triệu USD từ Quỹ Smilegate. Cũng trong giai đoạn này, Loship được bảo đảm đầu tư từ Tập đoàn Hana, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất châu Á.
“Tôi nghĩ, lý do duy nhất khiến các đối tác nước ngoài chọn Loship là vì chúng tôi có một mô hình kinh doanh hướng đến lợi nhuận và tạo ra lợi ích cho nhà đầu tư”, CEO Loship chia sẻ.
Ngoài giao thực phẩm và hàng hóa, Loship đang tìm cách có chỗ đứng trong các chuỗi cung ứng bán lẻ. Bên cạnh đó, start-up này còn muốn điều chỉnh các dịch vụ đối với các mặt hàng không thể giao dưới một giờ, như các sản phẩm gia dụng và thiết bị trong gia đình.
Thành công phụ thuộc vào tham vọng của người đứng đầu
Tiết lộ rõ hơn về kế hoạch “bành trướng” của mình, CEO Loship cho biết, Công ty không chỉ dừng lại ở việc phục vụ từng món ăn, thức uống, mà tham vọng góp sức để phát triển phong cách sống cho người Việt. Sau những chuyến giao trà sữa, cháo, phở, sẽ là những chuyến giao quần áo, mỹ phẩm, truyện tranh… trong 1 giờ đặt. Mỗi người Việt có thể ngồi tại nhà, ký túc xá, văn phòng, được giao quần áo, sách vở và nhiều hơn thế chỉ trong 1 giờ. Lozi đang triển khai các dịch vụ Lomart (đi siêu thị dùm), Lozat (mang đồ đi giặt dùm), Lomed (mua thuốc dùm), Lo-send (giao đồ)…
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 5 tỷ USD. Hoàng Trung tin tưởng, Loship sẽ tạo ra được khác biệt bằng việc phục vụ khách hàng tốt nhất, chứ không phải tạo ra tăng trưởng, thu hút khách hàng bằng các chương trình ưu đãi, khuyến mãi như các đối thủ ngoại.
“Trải nghiệm xuyên suốt là điều quan trọng nhất. Khuyến mãi là ngắn hạn, nhưng trải nghiệm sử dụng dịch vụ qua thời gian dài mới là quan trọng. Khách hàng sẽ luôn nhảy từ dịch vụ này sang dịch vụ khác, nhưng nếu cung cấp được dịch vụ tận tâm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, thì chắc chắn, khách hàng sẽ luôn ở lại với mình”, Hoàng Trung phân tích.
Cũng theo Trung, ngoài việc phục vụ tốt cho khách hàng, Loship còn có lợi thế am hiểu địa phương và đặc biệt có lợi thế trong việc chăm sóc đội ngũ tài xế - những chiến binh của Loship, như áp dụng công nghệ số giúp tăng lượng đơn hàng giao được trên cùng một cung đường, qua đó tăng thu nhập cho tài xế; miễn phí rửa xe, sạc điện thoại, trà đá cho tài xế; hỗ trợ tài xế tiếp cận vay vốn và vay tiêu dùng cá nhân.
Từng nhận được học bổng danh giá của Hàn Quốc, cùng công việc đáng mơ ước tại Microsoft, Trung nhận thấy, người Việt không thua kém công dân của bất cứ đất nước nào. Điều quan trọng nhất là có dám nghĩ lớn, làm lớn không. Trung tin rằng, anh có thể nghĩ lớn với Loship và hiện là thời điểm thích hợp để anh có thể làm được điều đó.
“Tôi quan niệm, người ta làm được thì mình cũng làm được. Nếu đã mơ tại sao không mơ cho lớn, không làm những điều vĩ cuồng? Sự khác biệt duy nhất giữa các tay chơi là những người đứng đầu dám tham vọng tới đâu, suy nghĩ một bức tranh lớn tới đâu. Việt Nam hoàn toàn có thể viết được câu chuyện một CEO 9x tạo được công ty tỷ USD. Tôi muốn là người viết nên câu chuyện đó”.
Nguyễn Hoàng Trung, nhà sáng lập, CEO của Lozi và Loship