Cuộc chuyện trò với người đứng đầu BSR thoải mái, cởi mở và thú vị, từ chuyện quản trị nhân sự ở nhà máy đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao như Lọc hóa dầu Dung Quất cho đến chủ đề rộng hơn như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cơ hội và thách thức trong cách mạng 4.0, động lực tăng trưởng của nền kinh tế...
Theo ông Giang, nhân rộng mô hình thành công của các cơ sở chế biến công nghiệp, các dự án nhà máy sẽ đóng góp, tạo ra sức bật lớn cho nền kinh tế.
Nền kinh tế đã có bước hồi phục vững chắc trong năm 2017, với tăng trưởng GDP đạt 6,81%, ông nhìn nhận như thế nào về những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế?
Việt Nam vốn là quốc gia hình thành từ nền văn minh lúa nước, lấy nông nghiệp làm trọng và hiện tại dân số sống ở khu vực nông thôn, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm đa số, nên theo tôi, nông nghiệp tiếp tục là một trong những lĩnh vực quan trọng, duy trì sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Công nghiệp dịch vụ đã được coi là thế mạnh và tiếp tục là thế mạnh của kinh tế Việt Nam nhờ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, người dân thân thiện…
Nhưng, nếu chỉ dựa vào nông nghiệp và dịch vụ du lịch, Việt Nam khó có những bước tiến vượt bậc, ấn tượng với các nước trong khu vực và thế giới.
Một ví dụ có thể thấy là việc vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất 2,5 - 3 tỷ USD đã kéo toàn bộ kinh tế tỉnh Quảng Ngãi vượt lên. Quay trở lại cách đây 10 - 15 năm, Quảng Ngãi là địa phương luôn đứng ở nhóm cuối về phát triển kinh tế các tỉnh, thành cả nước. Nhưng từ khi Nhà máy được vận hành vào năm 2010, Quảng Ngãi từ top sau cùng nhảy vọt lên top đầu tiên.
Có những năm Quảng Ngãi lọt vào Top 5, Top 6 tỉnh đóng góp cho ngân sách nhiều nhất, chỉ đứng sau Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, vượt qua cả Đà Nẵng và các tỉnh, thành vốn được coi là phát triển mạnh hơn Quảng Ngãi rất nhiều.
Đó là bằng chứng rất cụ thể và thuyết phục để nói với chúng ta rằng công nghiệp nặng nếu phát triển đúng hướng, được giám sát chặt chẽ và được đầu tư đúng mức, được điều hành quản lý bởi một bộ máy cơ chế minh bạch và thực sự có nhiệt huyết, có tâm thì chắc chắn là một động lực lớn để đưa nền kinh tế có những bước nhảy vọt.
Gần đây, người ta nói nhiều đến làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại của trí tuệ nhân tạo, của internet vạn vật, của các làn sóng kết nối, tự động hóa công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới được gắn kết với nhau, tạo thành tổng thể, tạo ra sức bật vô cùng lớn, các nguồn năng lượng, nguồn lực khó có thể tưởng tượng cho việc phát triển. Nếu chúng ta hòa mình được vào cuộc cách mạng đó, tranh thủ nắm bắt được cơ hội thì chúng ta sẽ có những bước phát triển đột phá.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lọc hóa dầu, lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế và đòi hỏi công nghệ kỹ thuật phức tạp, tính tự động hóa cao, BSR đã chuẩn bị những gì để tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0?
Ngày hôm nay, các bạn có thể chiêm ngưỡng những thành tựu mà chúng tôi lặng lẽ triển khai trong suốt hàng chục năm qua. Ngay khi nhận bàn giao từ nhà thầu vào năm 2010, chúng tôi đã âm thầm phát triển mở rộng những thành tố của cách mạng công nghiệp 4.0.
Đó là hệ thống điều khiển tự động hóa của Nhà máy, những hệ thống truyền thông liên lạc, hệ thống máy tính phục vụ cho việc tối ưu hóa Nhà máy, hệ thống phần mềm rất phức tạp, có thể đó là hệ thống trí tuệ nhân tạo phân tích 24/24 nhu cầu thị trường đầu ra, nhu cầu giá cả cũng như nhu cầu thị trường dầu thô đầu vào, phân tích để mà tối ưu hóa từng phút, từng giây, từng công đoạn sản xuất của các thiết bị máy móc trong nhà máy.
Nhờ có sự đổi mới liên tục như vậy mà hôm nay, Lọc dầu Dung Quất đã đạt chỉ số ấn tượng về kinh doanh. Năm 2017, Công ty đạt tổng doanh thu trên 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 8.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 10.000 tỷ đồng.
Điều gì thúc đẩy, giúp các ông có bước chuẩn bị sớm như vậy?
Người ta thường nói: “Gốc rễ của mọi vấn đề là con người”, có bắt kịp được xu hướng, tận dụng được cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 hay không, thành hay bại trong cuộc cách mạng này cũng là do yếu tố con người mà thôi.
Ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chúng tôi luôn tạo ra môi trường làm việc thoải mái, minh bạch để mỗi cá nhân trong Công ty đều phát huy tối đa sự sáng tạo, trí tuệ của mình. Các nhân sự càng nỗ lực đóng góp càng được coi trọng, được tưởng thưởng xứng đáng.
Chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ rất mạnh, đoàn kết, nhiệt huyết để cùng nhau giữ Nhà máy tuyệt đối an toàn, cùng nhau xây dựng Nhà máy đi đến những thành công hôm nay.
Kết quả kinh doanh của BSR những năm qua khá tích cực, nhưng phải duy trì bền vững và liên tục, ông nghĩ sao về điều này?
Đó là khát vọng, là ý chí, là kỳ vọng luôn luôn có trong trái tim, trong khối óc của từng cán bộ kỹ sư công nhân nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nếu như cách đây 10 năm chúng tôi bắt đầu đưa nhà máy vào vận hành với muôn vàn khó khăn, vô vàn thử thách, sự cố của một nhà máy quá phức tạp, mới mẻ, quá quy mô thì từ 2010 cho đến nay mọi việc dễ dàng hơn nhiều về vận hành sản xuất kinh doanh.
Nhưng thực tế đã và đang nảy sinh rất nhiều khó khăn, thử thách khác như vấn đề thị trường, hội nhập quốc tế, cạnh tranh trong nước và khu vực khi có thêm nhiều nhà máy lọc dầu ra đời... Thử thách luôn xuất hiện đòi hỏi chúng tôi phải tỉnh táo và giữ được nguồn năng lượng cao liên tục để đối phó với những vấn đề xảy ra. Chúng tôi phải dung hòa giữa đội ngũ trẻ đầy nhiệt huyết và lớp cán bộ đi trước dày dạn kinh nghiệm trong một tập thể vững bền.
Điều đó không dễ dàng, nhưng chúng tôi đang làm được và chúng tôi tin sẽ tiếp tục duy trì tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
BSR đang chuẩn bị đại chúng hóa doanh nghiệp, tìm nhà đầu tư chiến lược. Lại nói về câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp, có ý kiến đánh giá, nhiều lãnh đạo lo ngại mất ghế, mất quyền lực khi cổ đông bên ngoài tham gia vào. Ông nghĩ sao về điều này?
Quay lại thời điểm 3 - 5 năm trước, bạn có thể thấy, Ban lãnh đạo Nhà máy đã có những phát biểu rất thẳng thắn và mạnh mẽ về tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp, Thời điểm đó, chủ trương của Chính phủ là cho phép cổ phần hóa Nhà máy lọc dầu Dung Quất không quá 49%, thậm chí có thời điểm không quá 35%.
Nay thì cao hơn hơn rồi. Chúng tôi đã trả lời nếu có thể cổ phần hóa Nhà máy đến 100%, tức là bán toàn bộ cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài thực sự có bề dày kinh nghiệm, cho các nhà máy lọc hóa dầu thì cũng nên làm.
Tức là cách đây 2 - 3 năm, chúng tôi đã nói rằng nếu có thể cổ phần hóa triệt để nhà máy thì chúng tôi luôn sẵn sàng. Điều kiện là những đối tác vào tiếp quản Nhà máy phải thực sự là những người có tầm, có kinh nghiệm về quản trị, điều hành, có tâm có tầm. Kế thừa được kinh nghiệm, nguồn lực tài chính, định hướng phát triển trong tương lai của họ, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ phát triển lành mạnh hơn qua đó, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, cho đất nước.
Vì cổ phần hóa rồi, Nhà máy vẫn đặt trên đất nước chúng ta, nhân lực của nhà máy cũng là người Việt Nam toàn bộ, sản phẩm của Nhà máy sản xuất ra phục vụ cho Việt Nam. Chúng ta lại có nguồn lực để đầu tư các nhà máy khác theo mô hình đã thành công, tạo thành chuỗi các dự án lọc hóa dầu. Các công trình tổ hợp các nhà máy đó sẽ mang lại hiệu quả theo cấp số nhân cho nền kinh tế, đất nước thì tại sao chúng ta không làm?
Vì vậy, không nên suy nghĩ hạn hẹp rằng chúng ta phải bảo vệ lợi ích cho một tập thể nhỏ, nhóm nhỏ. Nếu chúng ta chuyển giao cổ phần hóa là mất quyền lực thì là ý nghĩ mang tính cá nhân chứ không phải mang tính tổng thể cho đất nước.
Mua cổ phần là mua tương lai doanh nghiệp, vậy BSR trao tương lai gì cho nhà đầu tư?
Bức tranh hiện tại của BSR đang rất tốt. Tính từ khi bắt đầu vận hành Nhà máy vào năm 2010 đến nay, BSR đã đóng góp trên 7 tỷ USD cho ngân sách trên vốn ban đầu 2,5 tỷ USD.
Tương lai của BSR chính là việc cổ phần hóa Nhà máy, nâng cấp mở rộng hơn nữa thế nào, tính minh bạch, cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá thành, cạnh tranh thực sự với các đối tác trong nước ra sao.
Chúng tôi nói với nhà đầu tư rằng, Nhà máy sẽ bước lên tầm cao mới khi có thêm nguồn lực tài chính có thêm trí tuệ có thêm tính phản biện về chiến lược trong Hội đồng quản trị, có nhiều sản phẩm đa dạng hơn, có tính cạnh tranh cao hơn.