Vào cuối tháng 4/2020, NNT có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xin hoãn thời gian tổ chức Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) thường niên năm 2020. Lý do là bởi cơ quan chủ sở hữu phần vốn nhà nước chưa thông qua hồ sơ ÐHCÐ. NNT dự kiến tổ chức đại hội vào ngày 28/5/2020.
Ðại hội năm nay của NNT được cho là sẽ “rất nóng” bởi mới đây (ngày 23/4/2020), cơ quan điều tra đã có quyết định khởi tố vụ án Nhận hối lộ xảy ra tại NNT.
Bên cạnh chờ đợi cơ quan điều tra xác định tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm, các cổ đông NNT còn nhiều vấn đề muốn được làm sáng tỏ như vì sao trong nhiều năm, ban kiểm soát không phát hiện các sai phạm, làm thế nào để thu hồi các khoản nợ?...
Theo kết luận thanh tra ngày 19/6/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, giá bán 1 m3 nước của NNT cho Công ty TNHH Cấp nước Ðông Mỹ Hải giai đoạn 2015-2017 đều thấp hơn giá thành sản xuất.
Sản lượng công ty cấp nước bán cho đối tác này trong 3 năm (2015 - 2017) bình quân chiếm 7,58% tổng sản lượng toàn công ty.
Còn báo cáo thường niên năm 2018 thể hiện, năm 2012, NNT ký hợp đồng với Xí nghiệp Cấp nước Ðông Mỹ Hải (tiền thân của Công ty Cấp nước Ðông Mỹ Hải) với mức giá thỏa thuận là 2.930 đồng/m3 và được điều chỉnh giá bán theo phụ lục hợp đồng ngày 9/6/2014 là 3.150 đồng/m2, phụ lục hợp đồng ngày 3/2/2015 là 2.530 đồng/m3 và phụ lục hợp đồng ngày 20/9/2017 là 2.845 đồng/m3.
NNT giải trình, Công ty đã làm việc và đề nghị thanh lý hợp đồng cũ, ký hợp đồng dịch vụ cấp nước mới với giá 7.000 đồng/m3, nhưng đối tác không chấp thuận.
NNT đã khởi kiện ra tòa án để giải quyết dứt điểm. Bản án phúc thẩm ngày 30/10/2019 xác định, Công ty Cấp nước Ðông Mỹ Hải còn phải thanh toán tiền nợ theo mức giá mới là 6 tỷ đồng và tiền lãi là 264,7 triệu đồng.
Tại báo cáo tài chính năm 2018 và 2019, kiểm toán đã nhấn mạnh đến khoản nợ “treo” của khách hàng này. Báo cáo tài chính năm 2019 thể hiện, NTT ghi nhận tổng tài sản là 388,5 tỷ đồng; nợ phải trả là 215 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 173 tỷ đồng.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2019 đạt 166,9 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 47 tỷ đồng. NTT đang có khoản phải thu ngắn hạn chủ yếu đến từ khách hàng Công ty Cấp nước Ðông Mỹ Hải với số nợ là 9 tỷ đồng.
Ðược biết, NNT cổ phần hóa từ năm 2007, đến nay có tổng vốn điều lệ là 94,9 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước chiếm tỷ lệ 52,06% (tính đến cuối tháng 10/2017).
Năm 2017, Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Sơn Long Thuận nhận chuyển nhượng hơn 3 triệu cổ phần và trở thành cổ đông lớn sở hữu 42,38% vốn điều lệ. Công ty Cấp nước Ðông Mỹ Hải sở hữu 1,05%.
NNT giao dịch trên sàn UPCoM vào năm 2012. Trong 5 năm qua, lợi nhuận sau thuế của NNT tăng khá đều đặn. Hiện tại, thị giá NNT ở quanh mức 22.000 đồng/cổ phiếu, nhưng luôn trong tình trạng “chết” thanh khoản, giao dịch nếu có cũng chỉ là để “cho có”.
Ðơn cử, trong tháng 4, chỉ duy nhất 1 phiên ngày 17/4 được khớp lệnh 200 đơn vị, tháng 3 thậm chí không có giao dịch.
Vụ việc của NNT không phải là trường hợp cá biệt khi tình trạng kém minh bạch, đặc biệt với các giao dịch của các bên liên quan, khiến cổ đông rất khó nắm bắt.
Theo ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong hoạt động của doanh nghiệp, giao dịch bên liên quan là yếu tố rất quan trọng bởi có thể phát sinh nguy cơ tư lợi, nên cần được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch thông tin với các giao dịch giá trị lớn.