Hoạt động tái cấu trúc DN thông qua xử lý nợ còn khá mới mẻ ở Việt Nam và được DATC triển khai thực hiện từ năm 2006 đến nay. Ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc DATC cho rằng, việc hình thành một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động này đang trở nên rất cấp bách, nhất là trong bối cảnh tình hình nợ xấu đang đè nặng lên nền kinh tế.
Với kinh nghiệm của người đi mua nợ xấu nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về tình hình nợ xấu của các DNNN?
Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể nhưng qua thực tiễn hoạt động xử lý nợ gắn với tái cấu trúc DN của DATC thì số tổng công ty, DNNN có nợ xấu chiếm số lượng không nhỏ như: các tổng công ty xây dựng giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải, các tổng công ty xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, một số tổng công ty thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị thành viên thuộc Vinashin...
Nợ xấu của khối DN chủ yếu nằm ở các ngân hàng, tại sao các ngân hàng không sử dụng hình thức kiện ra Tòa để đòi nợ hoặc phát mãi tài sản thế chấp, thưa ông?
Đó cũng là một cách. Nhưng nếu đưa ra Tòa án yêu cầu phá sản DN để thu nợ thì thời gian xử lý lâu (phải từ 3 - 4 năm), tỷ lệ thu hồi nợ thấp do xử lý tài sản của DN dưới hình thức bán thanh lý. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, việc phát mãi tài sản thế chấp cũng rất khó khăn bởi đầu ra kém thanh khoản. Trong khi hầu hết DN nợ đọng đều làm ăn bết bát, khoản tài sản thế chấp mất giá trầm trọng.
Thực tế quá trình tái cấu trúc DN thông qua xử lý nợ của DATC đã cho thấy đ,ây là phương thức tiếp cận hiệu quả đối với các DNNN không đủ điều kiện chuyển đổi, hoặc DN đã cổ phần hóa nhưng xử lý các tồn tại về tài chính không triệt để.
Theo ông, việc chuyển nợ về một đầu mối như DATC quản lý có phải là giải pháp tối ưu?
Đó không phải là giải pháp tối ưu. DATC chỉ là bà đỡ trong lúc khó khăn, đến khi DN đứng được trên đôi chân của mình thì có thể dần thoái vốn để hỗ trợ các DN khác. DATC là một bên đảm bảo, thu hồi dần vốn góp qua việc phát hành cổ phiếu, chuyển nợ thành vốn góp. Nếu việc thu nợ kéo dài thì cũng rất khó khăn cho DATC trong việc tiếp tục thực hiện các phương án mua bán nợ khác. Chúng tôi rất mong muốn các ngân hàng hợp tác với DATC trong việc tiếp tục cho DN vay vốn duy trì sản xuất - kinh doanh khi các khoản nợ xấu đã được xử lý triệt để, DN có lãi.
Thực sự là vấn đề này có nhưng không nhiều và nghiệp vụ quan trọng trong hoạt động mua bán nợ là phải phân loại DN. Qua kinh nghiệm của chúng tôi, khối DNNN khi tiếp xúc với DATC đều khá công khai thực trạng nợ nần.
Đối với khối DN cổ phần tư nhân, một số đơn vị giấu giếm vì sợ công khai hết ra, DATC lại “ngại”, không dám vào. Tất nhiên, cũng có đơn vị mà DATC chỉ tham gia xử lý một phần nợ, một phần phải khoanh lại vì tiềm lực có hạn.
Hiện nay, nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước có những khoản nợ đọng rất lớn trong nội bộ và các công ty thành viên. Theo ông, liệu DATC có thể tham gia mua bán nợ đối với các tập đoàn này?
DATC thật ra có thể làm được, nhưng đang bị mắc bởi cơ chế. Ví dụ, các khoản nợ của những đơn vị này đều rất lớn, nếu đòi hỏi phải mua 100% thì không thể. Chưa kể, nhiều khi các đơn vị định giá tài sản nợ cũng rất cao so với giá trị thực tế.
Với khối DNNN lớn, DATC đã tham gia mua nợ của khoảng 20 tổng công ty như Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng Miền Trung, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, Tổng công ty Xây dựng đường thủy, các tổng công ty xây dựng công trình giao thông, Tổng công ty Cà phê…
Trên thực tế, việc cơ cấu nợ khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với việc cổ phần hóa (CPH), trong khi các quy trình được thực hiện như CPH, thậm chí phức tạp hơn. Đặc biệt, gần như DATC tự mày mò, tự nghiên cứu nên rất mất thời gian đối với từng thương vụ riêng rẽ. Do đó, nếu có sự chỉ đạo thống nhất về việc bán nợ xấu của các DNNN cho DATC và hành lang pháp lý rõ ràng hơn thì công tác xử lý nợ gắn với tái cơ cấu sẽ hiệu quả hơn.
Các DN đang chết hàng loạt. Để gỡ khó, bên cạnh các giải pháp hạ lãi suất, kích cầu, giảm thuế, thì làm sạch bảng cân đối kế toán có là một giải pháp?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn tài chính của các DN hiện nay bắt nguồn từ hệ lụy của một giai đoạn dài nhận được những đồng vốn dễ dãi, dẫn đến đầu tư dễ dãi. Do đó, tất cả các biện pháp hỗ trợ về vốn đều không thành nếu DN nợ nần quá nhiều, không ngân hàng nào cho vay.
Như vụ việc tại CTCP Thuỷ sản Bình An mà DATC đang hỗ trợ, mặc dù dư luận nói rất nhiều, nhưng tôi cho rằng, DN này có thể thoát khỏi phá sản. Trong đó, phải có sự hợp tác của DN cũng như các chủ nợ, với nhiều giải pháp như giãn nợ, trả dần, tăng cường quản lý, thậm chí tăng vốn để tiếp tục sản xuất, thanh lý một số tài sản để có dòng tiền… Chứ đùng một cái, ông nào cũng vào đòi nợ thì DN chỉ có chết.
Hiện khả năng của DATC có thể mua nợ được bao nhiêu, thưa ông?
Theo tỷ lệ mua bình quân trong nhiều năm vừa qua thì DATC mua bình quân 28 - 30% nợ gốc. Như vậy, hiện DATC có thể xử lý được khoảng 5.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu muốn thực hiện tiếp sẽ phải quay vòng vốn. Đó là con số rất nhỏ, nên cần tăng tiềm lực cho DATC cũng như xã hội hóa hoạt động này.
Như vậy, tiềm lực của DATC là rất nhỏ so với quy mô nợ xấu của hệ thống DN. Được biết, DATC đã có đề án trình Bộ Tài chính một lộ trình, theo đó trong giai đoạn 2011 - 2015 sẽ nâng quy mô hoạt động lên mô hình Tổng công ty, để có thể chủ động trong xử lý nợ, tái cấu trúc DN. Việc này đã được tiến hành đến đâu?
Chúng tôi đã có đề án để Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ. DATC cũng đang chủ động xây dựng đề án chi tiết nâng quy mô lên Tổng công ty, nghiên cứu dần tổ chức bộ máy để tăng đầu mối thực hiện theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị thành viên. Trong đó, có hướng lập thêm CTCP mua bán nợ.
Về vốn điều lệ, chúng tôi đề nghị tăng lên 5.000 tỷ đồng. Con số này thực tế vẫn rất ít so với tổng nợ của DNNN, nhưng quan điểm của chúng tôi là không nhất thiết phải quá nhiều. Nếu thiếu thì có thể có cơ chế được vay từ ngân sách, gắn với một lộ trình trả nợ cụ thể.
Tuy nhiên, tất cả đều đang ở giai đoạn đề xuất. Nguyên tắc của DATC hiện nay là những DN nào thu xong nợ là phải tính đến việc thoái vốn, nhất là những DN nhỏ. Đương nhiên, những DN lớn có tiềm lực thì lộ trình thoái vốn phải xem xét để có hiệu quả. Một số DN có thể giữ lại để sau này khi mạnh lên, có thể lại là đối tác của DATC đi góp vốn trong các thương vụ mua nợ khác.
Để tạo lập một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp tại Việt
Cho đến nay, trong danh mục ngành kinh tế quốc dân và các ngành nghề đăng ký kinh doanh, chưa có lĩnh vực mua bán nợ, tái cấu trúc DN. Điều đó khẳng định rằng, đây là một nghề chưa có ở nước ta và thị trường của hoạt động này cũng chưa có. Khó khăn, thách thức vì thế còn rất nhiều. Riêng về hành lang pháp lý, theo tôi, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần ban hành thông tư hướng dẫn riêng cho DATC trong tái cơ cấu đối với các DN có giá trị thực tế DN thấp hơn các khoản phải trả khi thực hiện CPH.
Thứ hai, đề nghị có quy định cụ thể về xử lý các khoản nợ xấu của NHTM và tổ chức tín dụng theo hướng tập trung bán nợ, khống chế thời hạn xử lý nợ, nếu quá thời hạn thì phải bán theo giá của tổ chức thẩm định trung gian.
Trong trường hợp nguồn vốn của DATC không đủ để thực hiện mua nợ gắn với tái cấu trúc DN thì đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn (có hoàn trả) cho DATC, hoặc phát hành trái phiếu DATC (được định kỳ định giá lại) để thực hiện xử lý nợ. Đồng thời, cần sớm sửa đổi quy định về xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) theo hướng tạo quyền chủ động cho VDB như các NHTM.
Chỉ khi hình thành được một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, dần xã hội hóa hoạt động này, thì bài toán cởi bỏ nợ nần cho khối DN nói chung và DNNN nói riêng mới có lời giải trên diện rộng.
DATC và những con số
Tính đến 30/4/2012, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã thực hiện được 114 phương án mua bán nợ và tài sản theo phương thức thoả thuận để thực hiện tái cơ cấu DN và xử lý tài sản, thu hồi nợ. Trong đó:
- Mua nợ để tái cấu trúc cho 73 DN. Đến nay đã hoàn thành chuyển nợ thành vốn góp, xử lý nợ gắn với tái cấu trúc được 44 DN, trong đó 23 DNNN kinh doanh thua lỗ, mất vốn nhà nước và 21 DN khác sản xuất kinh doanh không hiệu quả.
- Mua nợ để thu hồi nợ tại 37 DN thông qua cơ cấu lại thời gian trả nợ, điều chỉnh lãi suất cho vay, giúp DN tồn tại tiếp tục hoạt động và phát triển.
- Mua tài sản để xử lý thu hồi tại 04 DN.
- Tổng mệnh giá nợ và tài sản đã mua là khoảng gần 8.000 tỷ đồng. Đã xử lý tồn tại tài chính cho DN
khoảng 2.500 tỷ đồng.
- Với số vốn nhà nước cấp ban đầu 2.000 tỷ đồng, qua gần 8 năm hoạt động, số vốn nhà nước thực có tại DATC thời điểm 31/12/2011 là 2.757 tỷ đồng, tăng 757 tỷ đồng so với vốn ban đầu (37,8%). |
Liệu có tình trạng DN khách nợ giấu giếm thực trạng nợ nần để dễ dàng thương thảo với DATC, thưa ông?