Các đơn vị thi công giao ước thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, phục vụ hỗ trợ một phần cho nhân dân vào Tết Nguyên đán năm 2021 .

Các đơn vị thi công giao ước thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, phục vụ hỗ trợ một phần cho nhân dân vào Tết Nguyên đán năm 2021 .

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông tuyến, phục vụ miễn phí người dân vào Tết Âm lịch 2021

Đây là mục tiêu mà Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đặt ra cho các đơn vị thi công Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng.

“Chúng tôi sẽ làm hết sức để không lỗi hẹn với 21 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long đối với hai mục tiêu quan trọng nhất của Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành toàn bộ công trình vào 30/4/2021”, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận khẳng định trong buổi lễ phát động thi đua thi công nước rút được tổ chức ngay trên công trường Dự án tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang hôm mùng 8 Tết Canh Tý.

Ông Hoàng cho biết, việc phát động thi đua thông tuyến là để hướng đến chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc, phục vụ hỗ trợ một phần cho nhân dân vào Tết Nguyên đán năm 2021 và nhất là khi lưu lượng giao thông gia tăng đột biến, các sự cố trên tuyến QL1 xảy ra. Trên cơ sở tuyến đã được thông, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đề xuất với UBND tỉnh Tiền Giang phân luồng giao thông phục vụ miễn phí để xe máy, xe con có thể lưu thông qua tuyến cao tốc nhằm giảm ùn tắc, giảm áp lực giao thông về Miền Tây Nam Bộ.

Ngay tại lễ phát động, lãnh đạo doanh nghiệp dự án cam kết trao thưởng 5 tỷ đồng cho Ban điều hành Dự án nếu thông được tuyến vào cuối năm 2020 và thêm 10 tỷ đồng nữa trong trường hợp hoàn thành toàn bộ công trình đúng tiến độ.

Được biết, Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là công trình hạ tầng duy nhất trong ngành GTVT “sáng đèn” ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Hơn 300 cán bộ, kỹ sư và công nhân – trong đó nhiều người có gia đình tại miền Bắc và miền Trung đã tình nguyện ở lại công trường, thi công 3 ca để kịp hoàn thành hạng mục thi công cắm bấc thấm, đóng cọc cát, gia tải nền đất yếu – đường găng quyết định tiến độ của cả Dự án.

Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, kể từ khi Tập đoàn Đèo Cả được liên danh các nhà đầu tư mời tham gia “giải cứu” Dự án từ tháng 4/2019, hiện giá trị sản lượng đã đạt 30%, gấp 3 lần khối lượng thi công trong 10 năm trước đó.

“Tuy nhiên, do phần lớn tuyến đường được xây dựng trên nền đất yếu nên mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020 là thách thức lớn cho các đơn vị thi công. Nếu không tổ chức thi công hợp lý, bố trí đủ nguồn lực tài chính và thiết bị sẽ rất khó hoàn thành”, ông Đông cho biết.

Thuận lợi lớn tại Dự án này là những vướng mắc liên quan đến phần vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và vốn tín dụng đã cơ bản được tháo gỡ. Trong đó, khoản vốn tín dụng trị giá 6.686 tỷ đồng dự kiến sẽ giải ngân món vay đầu tiên trong tháng 2/2020.

Trước đó, trong tháng 12/2019, Dự án được tiếp thêm động lực khi nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án đã được giải ngân hơn 1.776/2.186 tỷ đồng để hoàn trả phần vốn nhà đầu tư đã ứng trước cho công tác giải phóng mặt bằng và Liên danh các ngân hàng tài trợ vốn tín dụng đã ký hợp đồng cho vay 6.686 tỷ đồng, tiến tới hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để giải ngân vốn tín dụng ngay trong tháng 2/2020.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT có chiều dài toàn tuyến là 51.1km, với với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường Cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (nút giao bờ Bắc cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1.

Do nhiều nguyên nhân, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 bị đình trệ trong 10 năm, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Tây Nam Bộ. Vì thế, ngay từ khi Tập đoàn Đèo Cả được liên danh các nhà đầu tư mời tham gia “giải cứu” dự án từ tháng 4/2019 đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm “Dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ nhân dân”. Đối với công tác quản lý chất lượng, chủ đầu tư đã tăng cường nhân sự, bổ sung, điều chỉnh hệ thống quản lý chất lượng, nghiệm thu, thanh toán nhằm đảm bảo yêu cầu chất lượng phù hợp với tiến độ thi công của dự án và kiểm soát chất lượng của các hạng mục đã thi công trước đây.

Dự án đã tăng cường công tác đảm bảo an ninh, giám sát hình ảnh bằng camera trên toàn tuyến ở 24 gói thầu để kiểm tra, bảo vệ công trường, ghi lại thực trạng để kịp thời chấn chỉnh các sai sót trong suốt quá trình thi công.

“Mặc dù, thời gian hoàn thành dự án là rất gấp nhưng yêu cầu các nhà thầu đảm bảo tuyệt đối chất lượng để khi đưa dự án vào sử dụng phải xứng đáng với vốn của nhà đầu tư đã góp,  vốn tín dụng của các ngân hàng cho vay và đặc biệt việc sử dụng hiệu quả phần vốn NSNN đã tham gia”, ông Hồ Minh Hoàng chỉ đạo.

Tin bài liên quan