Theo quy định tại Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán, chứng quyền có bảo đảm (covered warrant) là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán (CTCK) phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.
Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) hiện một số thị trường, chẳng hạn Đài Loan, covered warrant có thị phần giao dịch hàng ngày lớn nhờ ưu điểm là chi phí giao dịch thấp, hỗ trợ tích cực cho thanh khoản trên thị trường cơ sở, trong khi ít rủi ro hơn các sản phẩm chứng khoán phái sinh… Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, phải mất vài năm để covered warrant được thị trường hấp thụ. Bởi vậy, không khó hiểu khi ở thị trường Việt Nam, cả bên bán (CTCK) lẫn bên mua (nhà đầu tư), theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện chưa quan tâm tới sản phẩm này.
“Để triển khai bất kỳ một sản phẩm mới nào, chẳng cứ là covered warrant, CTCK phải đầu tư không ít công sức, thời gian, chi phí cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cách thức bán sản phẩm. Trong khi Công ty đang dồn sức đầu tư khá lớn cho triển khai các bước chuẩn bị để tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, nên hiện chưa tập trung đến covered warrant…”, Phó tổng giám đốc một CTCK lớn chia sẻ.
Vị này cho biết thêm, nếu chậm chân không kịp tham gia ngay từ thời điểm thị trường chứng khoán phái sinh mở cửa, hình ảnh và thứ hạng của Công ty trên thị trường sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Ảnh hưởng này sẽ nhẹ hơn khi Công ty chậm triển khai covered warrant so với các CTCK khác.
“Covered warrant là một sản phẩm phái sinh, nên trong thời gian đầu sẽ chủ yếu thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tổ chức. Trong 2 - 3 năm tới, thậm chí dài hơn, sản phẩm này chưa chắc đã thu hút được nhà đầu tư cá nhân tham gia, trong khi đây là lực lượng chiếm đa số trên TTCK. Do đó, hiện chúng tôi chưa quan tâm và chưa có ý định chuẩn bị triển khai covered warrant…”, Tổng giám đốc một CTCK đang niêm yết chia sẻ.
Không chỉ các CTCK, bản thân nhà đầu tư hiện cũng chưa quan tâm đến covered warrant. Một nhà đầu tư ở CTCK Sài Gòn (SSI) chia sẻ: “Tôi có đọc về covered warrant, nhưng chưa hiểu sản phẩm này có gì hấp dẫn hơn mua, bán cổ phiếu trên sàn hay không. Tôi nghĩ nếu CTCK và các bên liên quan tích cực giới thiệu sản phẩm này đến công chúng đầu tư, thì cũng cần một vài năm tới mới có thể giúp họ hiểu sâu sản phẩm này có lợi thế, điểm yếu gì so với mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.”.
Theo nhìn nhận của một số CTCK, nhà đầu tư Việt Nam khá bảo thủ trong thay đổi suy nghĩ và thói quen giao dịch, nên với các sản phẩm mới, trong thời gian ban đầu họ thường ít quan tâm, trừ khi sản phẩm đó đơn giản và tạo ra những lợi thế nổi trội về cơ hội kiếm lời. Trong khi các sản phẩm tài chính, nhất là các sản phẩm phái sinh thường có tính chất và cơ chế giao dịch phức tạp, nên ít thu hút nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ quan tâm. Đây là khó khăn, thách thức mà các CTCK đang phải đối mặt khi có ý định triển khai covered warrant cũng như các sản phẩm phái sinh khác.
Có một thực tế là để triển khai được covered warrant, sẽ phụ thuộc lớn vào hệ thống công nghệ của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD). Trong khi đó, VSD đang phải tập trung cao độ cho hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho triển khai thị trường chứng khoán phái sinh vào đầu năm tới, nên việc san sẻ nguồn lực cho triển khai hệ thống đáp ứng yêu cầu cho triển khai covered warrant cũng là một thách thức không nhỏ.
Sản phẩm covered warrant được xây dựng bởi Sở GDCK TP. HCM với dự kiến đưa vào giao dịch trong năm 2017. Mục tiêu này chỉ có thể thành hiện thực một khi cả VSD, CTCK lẫn nhà đầu tư và các bên liên quan cùng nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để sớm đưa covered warrant vào vận hành.