Giấy biên nhận giả mạo chữ ký của thủ quỹ, giao dịch viên, kiểm soát và dấu mộc, phông chữ trên tờ giấy biên nhận giả cũng khác biệt với phông chữ của CTCK trên sử dụng. Ngoài ra, giấy biên nhận giả còn thiếu một yếu tố quan trọng là dấu mộc tròn và mã số giao dịch ở phía dưới góc trái. Điều đáng nói là giấy biên nhận giả còn mắc nhiều lỗi sai chính tả đến mức thô thiển như "trường hợp" thành "trường hộp"; "lên" thành "lean" nhưng người giao dịch vẫn không phát hiện ra (Ảnh chụp).
Nhân viên của CTCK cho biết, trách nhiệm của đơn vị là chuyển nhượng sổ cổ đông của loại cổ phiếu trên. Với các giao dịch mang tính chất cá nhân giữa các NĐT với nhau ngoài sàn, công ty không kiểm soát được và sự việc xảy ra nằm ngoài trách nhiệm của công ty. Nhưng để ngăn chặn các trường hợp tương tự, CTCK ra thông báo khuyến cáo các NĐT ngay tại cửa ra vào ngay trong ngày: NĐT mua cổ phần cần trực tiếp đến bộ phận quản lý cổ đông của CTCK để thực hiện thủ tục chuyển nhượng, không nên nhận qua trung gian; mọi chi tiết liên quan đến tính hợp pháp của thủ tục chuyển nhượng, NĐT cần liên hệ trực tiếp với nhân viên giao dịch để được hướng dẫn rõ hơn. Theo một nguồn tin, cơ quan điều tra đã bắt được thủ phạm vụ lừa đảo trên và đang trong quá trình điều tra.
Ông Đỗ Như Nhật, Trưởng phòng môi giới OTC của CTCK Á Châu (ACBS) cho biết, hiện nay giao dịch cổ phiếu trên thị trường OTC hết sức sôi động, nhưng cũng ẩn chứa khá nhiều nhiều rủi ro. Chẳng hạn, nhiều trang web chuyên về chứng khoán và một số tờ báo điện tử đều đăng tin rao vặt, mua - bán chứng khoán OTC. Nhưng do việc tham gia vào những trang web này tương đối dễ dàng và không đơn vị nào chịu trách nhiệm về những thông báo đó nên rất nhiều người đăng những tin rao không đúng sự thật, tạo ra cung - cầu giả, lũng đoạn làm giá. Hình thức giao dịch ở đây chủ yếu là trao tay. Nhiều trường hợp, nếu chứng khoán chưa được lưu ký, người bán chỉ việc trao cho người mua một giấy chứng nhận sở hữu. Thoả thuận giá giao dịch xong, người mua và người bán đi làm thủ tục chuyển nhượng. Người mua và người bán có thể gặp rủi ro khi giá bị thao túng hay một bên đổi ý phá vỡ giao dịch vào phút chót.
Cách thứ hai là qua những người môi giới hành nghề tự do. Thông thường, người môi giới cổ phiếu trên thị trường OTC đóng vai trò trung gian giữa người mua và người bán để hưởng chênh lệch giá. Hoạt động của những người môi giới tự do này cũng dựa trên nguyên tắc khớp lệnh mua cao, bán cao hoặc mua thấp, bán thấp. Trong trường hợp gặp được lô cổ phiếu mà người bán đang cần tiền, bán gấp, giá hạ, nhưng chưa khớp được lệnh mua, thì người môi giới cũng mua vào và khi gặp khách sẵn sàng mua với giá cao thì bán ra. Hình thức giao dịch này phụ thuộc rất lớn vào đạo đức của người môi giới. Vụ lừa đảo ở trên dựa vào hình thức giao dịch này.
Theo ông Nhật, cách thứ ba an toàn hơn cả với đối các NĐT, đó là sử dụng dịch vụ môi giới của các CTCK. Trong trường hợp này, CTCK đóng vai trò là trung gian giữa người mua và người bán để hưởng chênh lệch giá và phí giao dịch. ACBS đã đưa sàn OTC vào hoạt động kể từ tháng 6/2008 với 14 cổ phiếu đang giao dịch… NĐT mở tài khoản và mua - bán cổ phiếu OTC tương tự như mua - bán chứng khoán niêm yết. Mọi giao dịch đều thông qua tài khoản tự doanh của ACBS, giá mua - bán của các cổ phiếu này luôn bám sát diễn biến thị trường và do cung - cầu quyết định, ACBS không tính phí. Tại CTCK Đại Việt, NĐT được phép rao mua và bán cổ phiếu nhưng phải ký quỹ. Tức là muốn rao mua cổ phiếu, trong tài khoản phải có từ 5 - 10% tiền đặt cọc, muốn rao bán cổ phiếu cũng phải đảm bảo có cổ phiếu…
Những ngày qua, khi thị trường niêm yết đang tăng điểm trở lại thì trên thị trường OTC cũng trở nên dễ kiếm ăn hơn. Tuy nhiên, vụ việc trên đây góp thêm một tiếng chuông cảnh báo để các NĐT thận trọng hơn trong quá trình giao dịch trên thị trường này.
Giấy biên nhận thật |
Giấy biên nhận giả |