Các dịch vụ tín dụng số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được phát triển nhanh trong thời gian tới

Các dịch vụ tín dụng số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được phát triển nhanh trong thời gian tới

Cần sớm có Sandbox cho Fintech

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng thuần số (challenger banks) và công ty công nghệ tài chính (Fintech) được xem là các kênh hữu hiệu để lấp đầy khoảng trống tín dụng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi không thể tiếp cận được tín dụng ngân hàng. Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam chia sẻ với Đặc san Ngân hàng về vấn đề này.

Ông có cho rằng, vay vốn từ các challenger bank và Fintech còn rất lâu mới phát triển mạnh tại Việt Nam khi các Fintech vẫn đang chủ yếu tập trung trong lĩnh vực thanh toán và challenger bank vẫn là câu chuyện hiếm hoi tại Việt Nam?

Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam.
Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam.

Một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt khi tiếp cận nguồn vốn hoạt động là thiếu tài sản đảm bảo (collaterals). Các Fintech và ngân hàng số đang phát triển các mô hình tín dụng mà không yêu cầu chứng minh tài sản đảm bảo thông qua cách chấm điểm tín dụng thay thế. Mặc dù còn nhiều công việc phải làm, nhưng tôi tin rằng, các dịch vụ tín dụng số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được phát triển nhanh trong thời gian tới, đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước ban hành cơ chế thử nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox).

Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ được Chính phủ ưu tiên với một mục tiêu chiến lược tới năm 2025, Việt Nam sẽ có từ 1,3 - 1,5 triệu doanh nghiệp. Việc tiếp cận nguồn vốn hoạt động dễ dàng và minh bạch sẽ đóng góp và sự phát triển và thành công của doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng, cũng như toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có những cải tiến và hỗ trợ nhiều hơn nữa trong các quy định chính sách về định danh điện tử doanh nghiệp, luật tín dụng doanh nghiệp và hạ tầng cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ chấm điểm tín dụng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngân hàng và các tổ chức cho vay, bao gồm các công ty tài chính và Fintech cần phát triển thêm các mô hình kinh doanh nhằm khai thác dữ liệu trên các mô hình chuỗi cung ứng, hay tiếp cận dữ liệu tài chính kế toán của doanh nghiệp, để hiểu rõ hoạt động kinh doanh và dòng tiền của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đó, xây dựng các sản phẩm chuỗi cung ứng tài chính, cũng như mô hình tín dụng thay thế để đảm bảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn hoạt động một cách nhanh chóng, thuận tiện, với chi phí hợp lý.

So với hệ thống ngân hàng với những quy định chặt chẽ, việc vay vốn tại các Fintech và challenger banks liệu có những rủi ro gì cho doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Cơ hội luôn đồng hành với rủi ro, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng và thuận tiện đồng nghĩa với việc họ phải chia sẻ thông tin nhiều hơn về hoạt động kinh doanh của họ và điều này sẽ dẫn tới các rủi ro.

Cụ thể, chi phí vốn có thể cao hơn và phát sinh nhiều loại phí, lãi. Thông tin và dữ liệu doanh nghiệp có thể bị chia sẻ cho bên thứ ba với các mục đích khác

Để giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp cần đánh giá dịch vụ và cơ chế tuân thủ của bên cho vay để đảm bảo dữ liệu của họ chỉ được dùng cho mục đích vay vốn. Việc thẩm tra đơn vị cho vay rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ lâu dài với các tiêu chí minh bạch và tuân thủ được đặt lên hàng đầu.

Hành lang pháp lý có phải là vướng mắc chính khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể chuyển sang vay vốn từ challenger banks và Fintech, thưa ông?

Các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng và thuận tiện đồng nghĩa với việc họ phải chia sẻ thông tin nhiều hơn về hoạt động kinh doanh của họ và điều này sẽ dẫn tới các rủi ro.

Đúng là hành lang pháp lý rất quan trọng trong lĩnh vực này, nhưng ở đâu cũng vậy, nhu cầu sẽ luôn tạo ra mô hình kinh doanh mới, cùng với việc áp dụng công nghệ sẽ luôn đi trước khung pháp lý. Theo tôi hiểu, hiện nay, khung pháp lý không hạn chế các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn hoạt động từ các đơn vị cho vay mới hoạt động trong khuôn khổ luật pháp và khung pháp lý hiện hành. Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, theo tôi, một bước đi quan trọng là đẩy nhanh tiến độ đưa ra cơ chế Sandbox, khi đó sẽ giúp challenger banks và Fintech có nhiều mô hình kinh doanh phù hợp với việc áp dụng công nghệ số mới. Để đẩy mạnh lĩnh vực này, việc nâng cao tính sẵn sàng của hạ tầng cơ sở dữ liệu quốc gia giúp các đơn vị cho vay tiếp cận được nhiều dữ liệu tin cậy hơn, giúp họ tổ chức kinh doanh và hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực định danh, chấm điểm tín dụng hay thu hồi nợ.

Hiện nay, cũng đã có các Fintech tham gia cung cấp vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dù quy mô còn hạn chế, nhưng tôi tin rằng, sự quan tâm và chiến lược rõ ràng của Chính phủ về kinh tế số và thanh toán không dùng tiền mặt sẽ đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hạ tầng cơ sở dữ liệu quốc gia, thúc đẩy chiến lược phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và cơ chế tiếp cận nguồn vốn hoạt động nhanh chóng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải chuyển mình trong xu hướng chuyển đổi số để có thể dễ dàng và nhanh chóng cung cấp các thông tin doanh nghiệp theo yêu cầu của tổ chức cho vay, tạo điều kiện cho chính mình tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất.

Bên cạnh vướng mắc từ câu chuyện pháp lý, ông có cho rằng, nội tại các Fintech và challenger banks cũng nên có “vận động riêng” mạnh mẽ hơn để tạo niềm tin từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ? Theo ông, đó sẽ là những yếu tố gì?

Tôi tin chắc rằng, đây là sự khác biệt mà challenger banks và Fintech sẽ mang lại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi triển khai mô hình kinh doanh mới của mình. Trong điều kiện hành lang pháp lý và hạ tầng dữ liệu còn hạn chế, có lẽ bước đi phù hợp trong thời điểm này là xây dựng mô hình kinh doanh tập trung vào một phân khúc hẹp, áp dụng công nghệ số tiếp cận tối đa dữ liệu của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng họ tham gia để có đủ thông tin xây dựng mô hình tín dụng, từ đó áp dụng chiến lược cải tiến để mô hình kinh doanh hoạt động hiệu quả.

Song song đó, challenger banks và Fintech có thể chung tay với các nhà cung cấp nền tảng công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Điều này giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, đặc biệt, tạo ra nguồn dữ liệu mới làm đầu vào cho mô hình chấm điểm và cấp hạn mức tín dụng, sẽ giúp xây dựng mối quan hệ và niềm tin giữa challenger banks và Fintech với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước hoàn tất, bắt đầu lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định gồm 5 Chương và 27 Điều.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trên cơ sở nghiên cứu các thông lệ tốt nhất về chính sách quản lý hoạt động Fintech trên thế giới, căn cứ vào tình hình thực tiễn hoạt động Fintech, cơ quan soạn thảo đề xuất, hoàn thiện Dự thảo Nghị định với quan điểm phòng ngừa rủi ro trong phạm vi có kiểm soát mà không hạn chế, triệt tiêu hoàn toàn các rủi ro, từ đó rút ra những bài học quản lý hiệu quả, hướng đến xây dựng một khuôn khổ pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng.

Tin bài liên quan