Cần nhiều nỗ lực, mang nhiều kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh chung, nền kinh tế Việt Nam cũng đang bắt đầu trỗi dậy sau “cơn bão” Covid-19.
Cần nhiều nỗ lực, mang nhiều kỳ vọng

Cho dù thế nào, kinh tế Việt Nam cũng như thế giới sẽ bước vào một năm mới với nhiều kỳ vọng, nhiều nỗ lực và nhiều mối quan tâm trong hành trình phục hồi. Cơ hội, thách thức luôn song hành, đan xen và sẽ dành cho những người tận dụng được cơ hội một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Có thể, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đang khiến sự phục hồi kinh tế thế giới trở nên bất định, không đồng đều và thận trọng hơn, nhưng xu hướng phục hồi là rõ nét, đang được dẫn dắt bởi các nền kinh tế hàng đầu và cũng là đối tác lớn, quan trọng của Việt Nam.

Trong bối cảnh chung, nền kinh tế Việt Nam cũng đang bắt đầu trỗi dậy sau “cơn bão” Covid-19. Mặc dù tốc độ tăng trưởng năm 2021 thấp nhất trong giai đoạn 2011-2021 (chỉ đạt 2,58%), nhưng chứa đựng những nỗ lực vượt bậc, kiên cường, tấm lòng bao dung và khát vọng vươn lên của cả nước.

Chưa bao giờ, các con số thống kê lại mang lại nhiều cảm xúc đến vậy. Đó là tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu năm 2021 lập đỉnh với 668,5 tỷ USD; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng; 81% doanh nghiệp ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn trong quý đầu năm 2022 so với thời điểm cuối năm 2021… Câu hỏi “nền kinh tế Việt Nam có thể bắt nhịp với xu hướng phục hồi của thế giới hay không?” đã được trả lời một phần.

Thực tế, thế giới đang rất quan tâm đến Việt Nam. Có thể thấy rõ sự quan tâm của giới đầu tư, kinh doanh quốc tế với các chuyến thăm, làm việc cấp cao với lịch trình dày đặc của những người đứng đầu đất nước tới các quốc gia lớn diễn ra dồn dập trong những tháng cuối năm.

Các đối tác lớn cần Việt Nam từ lợi ích của chính họ với một nền kinh tế đang phát triển, có độ mở lớn, có thị trường nội địa, tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh, vị trí địa chính trị thuận lợi cho các mối giao thương, kết nối, cho xu hướng chuyển dịch dòng vốn, chuyển dịch chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, trong xu thế phát triển xanh, phát triển bền vững và chuyển đổi số.

Nhìn ở góc độ cơ hội phục hồi và phát triển trong năm 2022 của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thì mối quan tâm của các đối tác lớn, tiềm năng của đất nước và sự gia tăng dòng vốn FDI của các nhà đầu tư hiện hữu đang mở ra không gian đầy hấp dẫn. Nhưng Việt Nam không chỉ muốn giải bài toán lạc nhịp, mà muốn bắt nhịp với tốc độ cao hơn, với chất lượng cao hơn, tận dụng cơ hội để có mặt trong nhóm nước công nghiệp hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, năm cuối của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025. Cũng bởi vậy, chỉ tiêu tăng trưởng GDP trước mắt phải đạt là 6 - 6,5% trong năm 2022.

Doanh nghiệp Việt Nam không chỉ muốn trở lại, đứng lên, mà đang nỗ lực thay đổi từ tư duy đến hành động, để vững vàng trong thị trường toàn cầu ngay tại quê hương, nhất là khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đang nối dài thêm các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

Từng người dân Việt Nam không muốn bị bỏ lại phía sau trong xu thế của công nghệ số, của lối sống xanh…

Đang có nhiều câu hỏi cần trả lời vào lúc này. Đó là chúng ta sẽ làm gì, làm như thế nào trong không gian đang rộng mở, tốc độ thay đổi nhanh? Chúng ta sẽ ứng xử như thế nào với những bất cập, điểm yếu đang lộ rõ sau “cú sốc” Covid-19 liên quan tới thể chế, quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp và thói quen sống? Chúng ta sẽ ứng xử thế nào với nhiều vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi năng lực quản trị, năng lực thích ứng?...

Chấp nhận thay đổi, sẵn sàng thay đổi, tích cực học hỏi để thay đổi có lẽ vẫn là việc cần làm ngay để năm 2022 là điểm bắt đầu cho quá trình phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam.

Tin bài liên quan