Ảnh minh họa.
Nhiều câu hỏi cần giải đáp
Đầu tháng 3/2022, Bộ Tài chính lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế nhà và tài sản nhằm xây dựng đề cương báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi theo chỉ đạo của Chính phủ. Các nội dung góp ý gồm: đề xuất gộp Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản hay bất động sản.
Vấn đề này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản. Câu chuyện thu thuế không phải nói lần đầu, mà trước đây cũng đã bàn đến rất nhiều.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng từng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc xem xét các giải pháp "đặc trị" sốt đất và bình ổn giá nhà. Trong đó có việc sử dụng công cụ thuế và ban hành thuế bất động sản.
Theo ông Châu, mặt tích cực của việc đánh thuế bất động sản là tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường bất động sản công bằng, minh bạch hơn. Do vậy, việc ban hành thuế chống đầu cơ nhà đất là cần thiết.
Có thể khẳng định, việc đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững, phòng chống đầu cơ và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu kỹ và áp dụng theo một lộ trình đủ dài, để tránh gây méo mó thị trường.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên bộ môn tài chính quốc tế (Học viện Tài chính), thuế tài sản đã đưa ra vài lần, nhưng đều là các thời điểm chưa chín, chưa có cơ chế chính sách, cơ sở lý luận, thực tiễn để có các loại hình và cách đánh thuế phù hợp.
Ông Thịnh lấy ví dụ, ngay với mục tiêu đánh thuế ngôi nhà thứ 2 trở đi cũng rất cần phải xem xét, vì nếu ngôi nhà thứ 2 vẫn được đưa vào kinh doanh, khai thác, không bỏ hoang thì đánh thuế có hợp lý không? Hay với việc một người có 2 ngôi nhà diện tích khác nhau, 30 m2 và 60 m2 thì đánh thuế cái nào, căn cứ nào để xác định đâu là ngôi nhà thứ 2. Chưa kể việc so sánh với người khác cũng sở hữu 2 ngôi nhà nhưng khác diện tích. Vì vậy, việc đánh thuế ngôi nhà thứ 2 phải đảm bảo công bằng, hợp lý, nhưng điều này là không dễ.
“Việc nghiên cứu về thuế tài sản là cần thiết, nhưng thời điểm ban hành thì phải cân nhắc. Hiện tại thì chưa nên khi nền kinh tế còn đang khó khăn, các lĩnh vực sản xuất, bất động sản mới phục hồi, ra luật thuế mới sẽ làm nhà đầu tư bị phân tâm, lo lắng, không tập trung cho việc khôi phục kinh tế”, ông Thịnh nói.
Đảm bảo đánh thuế công bằng
Cũng cho rằng, hiện chưa phải là thời điểm thích hợp, nhiều doanh nghiệp địa ốc và nhà đầu tư khuyến nghị, với thuế tài sản cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đơn vị soạn thảo phải có tầm nhìn rộng hơn, bao quát hơn, có vậy việc triển khai mới mang lại kết quả.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Mai Đức Toàn, Giám đốc khối Kinh doanh và Tiếp thị CNT Group cho rằng, việc thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải cân nhắc thật kỹ về thời điểm cũng như cách thức, phương án nào áp dụng cho đúng đối tượng, để đạt được hiệu quả cao nhất và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực trên diện rộng đối với thị trường.
Hiện nay, phương pháp tính thuế trong giao dịch bất động sản chưa công bằng, nên mới có hiện tượng gian dối trong việc kê khai. Không phải ai kinh doanh bất động sản cũng có lãi, do vậy, về lâu dài cần thống nhất lại mặt bằng giá bất động sản và thực hiện tính thuế trên thu nhập.
Đưa ra đề xuất cho giải pháp đảm bảo nguồn thu ngân sách và phát triển thị trường lành mạnh hơn, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Việt An Hòa nhấn mạnh, phải phân loại tài sản bất động sản được đánh thuế, bởi không phải ai có tài sản bất động sản thứ hai cũng có mục đích đầu cơ.
Có những người có tài sản bất động sản thứ hai phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị cho xã hội, nhưng cũng có người sở hữu bất động sản thứ hai để chờ tăng giá. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước nên cân nhắc điều chỉnh đúng đối tượng và trúng mục tiêu, đảm bảo đánh thuế công bằng.
Theo ông Quang, mục tiêu đánh thuế nhằm hạn chế tình trạng bất động sản sốt ảo và điều chỉnh ổn định thị trường. Tuy nhiên, nếu làm không cẩn thận thì vô hình trung lại gây phản ứng ngược.
Bởi nếu xuất hiện thêm các loại thuế mới thu hàng năm, trong khi chưa giải quyết bất cập tiền sử dụng đất thì có thể vấp phải phản ứng của người mua nhà vì họ vừa phải nộp tiền sử dụng đất, vừa phải nộp thuế tài sản. Việc đánh thuế tài sản cũng sẽ đẩy giá nhà ở trên thị trường tăng lên do các chi phí thuế thường bị cộng dồn vào giá thành sản phẩm, người mua sau cùng sẽ phải gánh khoản này.