Ông có thể cho biết tiềm năng phát triển môn thể thao golf tại Việt Nam và thực trạng sân golf hiện nay?
Người Việt Nam có tình yêu thể thao nồng nhiệt, rất giàu cảm xúc thiên nhiên, thích du lịch, ham tìm hiểu. Đất nước Việt Nam có phong cảnh đẹp, nhiều vị trí có thể xây dựng được những khu nghỉ dưỡng và các sân golf đẳng cấp. Những yếu tố đó hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho golf Việt Nam.
Hiện nay, cả nước có 29 sân golf đang hoạt động, chỉ tương đương với Singapore và rất xa với tiềm năng của một đất nước 90 triệu dân, đang trên đà phát triển.
Dư luận đang không đồng tình với việc lấy đất lúa để phát triển sân golf. Vậy ông đánh giá thế nào về Quy hoạch sân golf mà Chính phủ đã phê duyệt?
Chính phủ đã cho rà soát kỹ các dự án sần golf mới, không nơi nào được lấy quá 5% đất lúa. Các nhà đầu tư và thiết kế sân golf hiện tại đã chấp nhận cho cả vùng lúa nằm trong sân golf.
Điều cần quan tâm là không chỉ có sân golf, mà các dự án khác cũng không được lấy đất lúa, không chuyển đổi mục đích sử dụng. Mà các dự án này thì rất nhiều. Đấy mới là mối lo lớn nhất cho đất nông nghiệp.
Quy hoạch sân golf hiện ở mức độ khiêm tốn hợp lý. Trong Quy hoạch, có 90 sân golf được cấp phép. Như vậy, trung bình mỗi tỉnh thành có chưa đến 1,5 sân golf. Tuy có 90 dự án, nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, nên khả năng đến năm 2020, nhiều nhất cả nước chỉ có khoảng 50 sân golf được đưa vào hoạt động.
Điều quan trọng trong Quy hoạch sân golf của Chính phủ là quy hoạch động. Có nghĩa là các địa phương nếu có nhu cầu thực sự sẽ được xem xét cấp phép mới. Còn các dự án tuy đã nằm trong Quy hoạch, nhưng không đủ điều kiện sẽ bị rút giấy phép. Quy hoạch động sẽ tránh được hiện tượng ghi tên giữ phần.
Phát triển sân golf và bất động sản trong sân golf là hai vấn đề không thể tách rời. Vậy ông có bình luận gì về ý kiến này? Có nên cho phát triển bất động sản trong sân golf hay không và mức độ ra sao là phù hợp?
Nói chung, bất động sản là một cấu thành không tách rời khi đầu tư sân golf. Bất động sản kết hợp với sân golf sẽ cho lợi ích cấp số nhân. Còn về mức độ thì theo tôi, nhà đầu tư tự biết phải theo tỷ lệ nào, vì thiết kế phải đẹp và hợp lý thì mới bán được hàng. Quy định tỷ lệ sẽ cứng nhắc sẽ dẫn đến việc xin cho.
Hiện sân golf đang bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông có kiến nghị gì về vấn đề này?
Phải đối xử bình đẳng với kinh doanh golf như với khách sạn, nhà hàng. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên golf sẽ đưa giá thành chơi golf lên cao, đẩy du khách chơi golf đến các nước khác. Giá chơi golf ở Việt Nam hiện đắt gấp 3 lần Malaysia, gấp hơn 2 lần châu Âu. Tôi cho rằng, nhất thiết phải bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với golf.
Theo ông, chúng ta phải làm gì để có thể phổ biến môn thể thao golf cho đông đảo người dân trong tương lai?
Rất nhiều điều phải làm, ở đây chỉ đề cập đến một số vấn đề chính.
Trước hết, phải nhìn golf là một môn thể thao và vì thế ai cũng được quyền tiếp cận. Sự khác biệt về tài chính sẽ liên quan đến chất lượng của dịch vụ. Cũng giống như khách sạn, sân golf được phân loại theo giá cho đa dạng loại đối tượng.
Thứ hai, khuyến khích phát triển sân golf đủ số lượng, đúng nhịp độ, đều khắp mọi nơi để hạ giá thành chơi golf và đủ thuận tiện phục vụ cho cộng đồng khắp các tỉnh, thành.
Thứ ba, không đưa ra các chính sách thuế bất hợp lý đối với golf.
Thứ tư, Chính phủ cần đầu tư các sân golf công cộng phục vụ cộng đồng. Điều này hoàn toàn không khó. Trong các thành phố, Nhà nước có thể xây dựng những sân golf mini 3, 6 hoặc 9 lỗ (với diện tích tương ứng khoảng 10 héc-ta, 20 héc-ta và 30 héc-ta) như là công viên thể thao xanh. Nếu không tính giá đất thuộc quỹ đất công viên, loại sân này không đòi hỏi chất lượng cao nên giá thành xây dựng thấp. Người chơi golf chỉ trả một mức phí thấp, đủ để duy trì bảo dưỡng sân golf. Ở những công viên nhỏ hơn thì xây dựng sân tập golf mini. Như vậy, sẽ thu hút được nhiều người tiếp cận với golf.
Để phát triển thể thao thành tích cao, cần phổ cập golf và thiết lập hệ thống thi đấu trong các trường phổ thông và đại học. Đây là điều phải làm sớm.