Cần chia sẻ nhiều hơn trong BCTN

Cần chia sẻ nhiều hơn trong BCTN

(ĐTCK) Đồng hành với Cuộc bình chọn BCTN suốt 6 năm qua, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital (DC) không chỉ là nhà tài trợ chính, mà còn góp thêm những ý kiến tâm huyết vì sự phát triển chung của TTCK.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển kinh doanh DC về những vấn đề mà tổ chức đầu tư lớn này quan tâm liên quan tới BCTN.

Thưa ông, với tư cách là tổ chức đầu tư lớn, năm nay Dragon Capital mong muốn DN cần bổ sung nhấn mạnh những điểm nào trong BCTN?

Là nhà đầu tư tài chính, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến thuyết minh báo cáo tài chính. DN cần diễn giải thông tin cụ thể và làm rõ hơn nữa các chỉ tiêu có tính trọng yếu theo qui định của chuẩn mực kế toán. Cơ cấu cấu thành doanh thu, chi phí, các khoản nợ vay, hoặc cho vay có giá trị lớn với chi tiết về thời gian đáo hạn, phương thức thanh toán cũng cần được thuyết minh rõ hơn. Việc trích lập dự phòng tài chính, với các chú dẫn rõ về các thay đổi trong các khoản dự phòng trả nợ cũng giúp nhà đầu tư có cái nhìn chính xác tình hình tài chính của DN hơn. Để giúp cho các chuyên viên phân tích có được nhận định đúng, DN cần khắc phục việc đưa và diễn giải thông tin quá sơ sài, hoặc quá dài dòng nhưng lại thiếu thông tin hữu ích cho nhà đầu tư.

Trong tình hình kinh tế nhiều biến động, DN cũng cần tập trung phân tích và chia sẻ nhiều với nhà đầu tư hơn về các rủi ro về tài chính, khả năng thanh toán nợ và rủi ro về môi trường kinh doanh. Riêng Việt Nam, thời gian qua, lạm phát vẫn cao, khiến chi phí hoạt động kinh doanh cũng tăng cao theo, đầu tư sẽ còn gặp nhiều rủi ro, trong khi mức sinh lời lại thấp hơn so với kỳ vọng, do vậy, BCTN của DN lại càng phải tập trung phân tích nhiều hơn về các rủi ro tài chính và rủi ro về môi trường kinh doanh.

 

Với tư cách là nhà tài trợ, Dragon Capital có cảm thấy hài lòng với những tiến bộ trong công tác làm BCTN ở các DN niêm yết hàng năm không?

Cuộc bình chọn BCTN đã bước sang năm thứ 6, chất lượng và mức độ công bố thông tin của các DN trong BCTN từng bước cải thiện và nâng cao theo từng năm. Năm nay, đánh dấu bước phát triển mới là Giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững (PTBV) và đã chọn được những DN xứng đáng để trao giải.

 

Điểm số bình quân của các báo cáo PTBV vào vòng chung khảo còn ở mức khiêm tốn. Thực trạng này, theo ông, có phải là vấn đề cần quan tâm khi nhìn ra các nước trong khu vực?

Theo nghiên cứu về PTBV của ACCA (2010), các báo cáo về môi trường của một số công ty trên thế giới được từng bước giới thiệu vào thị trường trong những năm 1990 - 1991. Sau đó, giữa thập niên 90 thì yếu tố xã hội mới bắt đầu được đưa vào trong báo cáo. Nhìn chung, PTBV và báo cáo về đề tài này cũng không phải là chủ đề mới ở nhiều nước trong khu vực. Đối với Việt Nam , trong khoảng 3 năm vừa qua, chúng ta bắt đầu thấy có một số chương trình hội thảo và hội nghị về chủ đề trách nhiệm xã hội của DN và PTBV. Đặc biệt, trong năm 2012, UBCK, Sở GDCK cùng IFC, ACCA và PWC đã chính thức có những buổi trao đổi chuyên sâu nhằm trang bị kiến thức cho các DN về cách thức lập Báo cáo PTBV, đồng thời cho ra đời sổ tay hướng dẫn. Tuy nhiên, theo tôi, đây vẫn là khái niệm còn khá mới cho các DN Việt Nam . Chỉ trong một thời gian ngắn chuẩn bị, mặc dù chưa phải là tiêu chí bắt buộc, thì với 35 DN vào được vòng chung khảo của năm đầu tiên đã là con số đáng khích lệ. Tôi tin là DN niêm yết sẽ hưởng ứng Báo cáo PTBV nhiều hơn trong những năm kế tiếp.

 

Theo ông, cần làm gì để thúc đẩy hơn nữa ý thức trách nhiệm làm BCTN của các DN?

Về công tác công bố thông tin nói chung, được biết Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 85/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Điều này cho thấy, Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát, nâng cao mức phạt và thực hiện các biện pháp chế tài nhằm củng cố hành lang pháp lý, đây là quyết sách đúng và quan trọng.

Việc công bố thông tin là trách nhiệm của các thành phần tham gia thị trường. Không chỉ riêng Chính phủ, những đối tác hữu quan cần truyền thông rộng rãi, sử dụng hiệu quả các kênh thông tin sẵn có để liên tục hướng dẫn và tiếp cận các DN thúc đẩy minh bạch hóa thông tin.

Cuộc bình chọn BCTN cũng sẽ là một kênh truyền thông tích cực trong việc thúc đẩy ý thức của DN trong việc làm BCTN và Báo cáo PTBV. Khi mà kinh tế đi vào ổn định, những DN hưởng lợi sẽ là những DN tôn trọng nhà đầu tư và các đối tác hữu quan, tạo dựng lòng tin và thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư thông qua chất lượng và tham gia trao đổi thông tin hai chiều. Vì vậy, chính lãnh đạo DN cần có sự quan tâm và đầu tư đúng mức trong việc thiết lập tốt quy trình quản lý công cố thông tin và quản trị nhà đầu tư.