Đó là quan điểm của ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam trong cuộc trao đổi với ĐTCK xung quanh câu chuyện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm, thị trường có nhiều ý kiến cho rằng, quá trình cải cách ngân hàng còn trì trệ, bởi sau rất nhiều kế hoạch sáp nhập, hợp nhất được tiết lộ hồi đầu năm, đến nay, câu chuyện dường như không có thêm bước tiến nào. Bên cạnh đó, Đề án tái cấu trúc của ngành ngân hàng thời gian gần đây ít được nhắc tới… Ông có bình luận gì về việc này?
Cải cách hệ thống ngân hàng là một trong 3 trọng điểm của mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, bao gồm cải cách đầu tư công, tái cơ cấu DN nhà nước và tái cơ cấu hệ thống tài chính. Cải cách hệ thống ngân hàng hết sức thiết yếu vì sẽ giúp lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và đưa vốn (có thể ví như máu) lưu thông trong nền kinh tế, giúp kinh tế phát triển lành mạnh.
Sau hơn 3 năm kể từ khi Chính phủ quyết định chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách hệ thống ngân hàng hiện vẫn được coi là chương trình cải cách có nhiều tiến triển nhất và bắt đầu mang lại một số kết quả nhất định như thanh khoản các ngân hàng đã được cải thiện rõ rệt, một lượng lớn nợ xấu đã được bán cho VAMC, một số ngân hàng bắt đầu chủ động xử lý nợ xấu, các ngân hàng yếu chủ động tìm nhà đầu tư chiến lược hoặc đối tác để sáp nhập.
Tuy nhiên, thách thức trong việc cải cách hệ thống ngân hàng vẫn còn rất lớn khi số lượng các ngân hàng yếu kém còn nhiều và chưa được xử lý triệt để, sở hữu chéo còn rất phức tạp và là một trong các nguyên nhân tạo nên nợ xấu cao trong hệ thống ngân hàng.
Các nhóm lợi ích gây cản trở quá trình cải cách, tình hình tài chính thiếu minh bạch của một số ngân hàng, quản trị DN không theo chuẩn mực quốc tế khi chủ sở hữu chính nắm quyền điều hành ngân hàng thay vì ban quản lý.
Đặc biệt, chủ sở hữu chính thường dùng ngân hàng của mình để cho vay các DN thuộc cùng chủ sở hữu, ngân hàng trì hoãn việc lành mạnh hóa sổ sách do trông chờ vào sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Các quy định của luật vẫn chưa thông thoáng cho việc xử lý nợ xấu và cuối cùng, bản thân NHNN cũng không thể tự mình xử lý nợ xấu được hiệu quả nếu không có hỗ trợ vốn của Chính phủ và nền kinh tế chưa khôi phục đà tăng trưởng.
Bản thân NHNN cũng không thể tự mình xử lý nợ xấu được hiệu quả nếu không có hỗ trợ vốn của Chính phủ và nền kinh tế chưa khôi phục đà tăng trưởng
Đối với quá trình tái cơ cấu này, NHNN và Chính phủ chắc chắn sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng. Là người làm việc tại các thị trường nước ngoài, ông có thể dẫn một ví dụ cụ thể về việc Ngân hàng Trung ương và Chính phủ tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?
Nhà nước, Chính phủ cần kiểm tra sức khỏe tài chính gắt gao của từng ngân hàng thông qua các chỉ số an toàn vốn, thanh khoản, nợ xấu… Chúng ta chỉ có thể đưa ra liều thuốc phù hợp nếu chúng ta hiểu rõ được căn bệnh nằm ở đâu và bệnh nặng tới mức nào.
Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007 - 2008 cho thấy, Chính phủ Mỹ đã rất quyết liệt khi bắt buộc các ngân hàng phải trải qua cuộc kiểm tra gắt gao (stress test), nhằm xem các ngân hàng có đủ vốn để chịu đựng cuộc khủng hoảng tài chính và biến động của thị trường tài chính hay không.
Thị trường ban đầu hết sức lo lắng vì danh sách các ngân hàng không đạt chuẩn khi công bố ra sẽ làm thị trường tài chính thêm bất ổn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính cuộc kiểm tra sức khỏe theo định kỳ hàng năm này đã tạo dựng niềm tin của thị trường vào sức khỏe tài chính của các định chế tài chính. Điều này giúp ổn định lại thị trường tài chính thay vì tạo thêm bất ổn.
NHNN có thể xem xét tạo một bộ quy chuẩn để xác định sức khỏe của các ngân hàng. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, việc đánh giá sức khỏe các ngân hàng có thể dựa vào hệ số an toàn vốn (CAR) và tỷ lệ nợ xấu.
Tuy nhiên, bản thân các số liệu báo cáo tài chính của các ngân hàng vẫn còn nhiều dấu hỏi khi số liệu chưa hoàn toàn chính xác và không phản ánh đúng tình hình sức khỏe thực tế. Dựa trên số liệu báo cáo, các ngân hàng hầu hết đều có CAR vượt chuẩn, đặc biệt, các ngân hàng nhỏ có hệ số CAR rất cao, phản ánh nghịch lý hiện nay. Ngoài ra, các số liệu này tính theo chuẩn kế toán Việt Nam và chỉ bao gồm rủi ro tín dụng chứ chưa bao gồm rủi ro tác nghiệp và rủi ro thị trường.
Như vậy, Việt Nam cần phải sẵn sàng cho việc sẽ có những ngân hàng yếu kém bị phá sản?
Đúng vậy, cần phải chấp nhận một số ngân hàng yếu kém sẽ bị phá sản. NHNN trước đây áp dụng nguyên tắc không để ngân hàng nào đổ vỡ trong thời điểm 2012 khi thị trường tài chính biến động mạnh. Tuy nhiên, Quốc hội vừa thông qua Luật phá sản sửa đổi vào tháng 6/2014. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, ngân hàng được chấp thuận cho phá sản giống như các DN khác.
Việc chấp nhận các ngân hàng yếu kém bị phá sản sẽ gửi một thông điệp rất mạnh đến các ông chủ ngân hàng. Nếu ngân hàng hoạt động không lành mạnh, các cổ đông sẽ phải chấp nhận phần thiệt thòi do mất vốn. Người gửi tiền cũng sẽ suy nghĩ kỹ càng trước khi gửi tiền tại các ngân hàng yếu kém vì có khả năng mất tiền nếu ngân hàng phá sản. Chính điều này sẽ sàng lọc tự nhiên các ngân hàng mạnh và yếu.
Chúng ta cũng cần xem xét lại mức bảo hiểm tiền gửi hiện ở mức tối đa 50 triệu đồng. Đây là mức rất thấp và không phù hợp với mục đích bảo hiểm. Khi mức bảo hiểm tiền gửi ở mức hợp lý, NHNN sẽ có thể mạnh tay hơn trong việc cho các ngân hàng yếu kém phá sản.
Một trong những nhiệm vụ chính của Đề án tái cơ cấu là xử lý nợ xấu, nhưng cũng đang có ý kiến cho rằng, NHNN đang “tắc”, hết giải pháp khi VAMC vẫn đang “loay hoay” với việc bán nợ … Ông có quan điểm gì?
VAMC đã được thành lập gần 1 năm và đã mua được một lượng lớn nợ xấu từ các NHTM. Tuy nhiên, VAMC hầu như vẫn chưa bán được nợ xấu ra thị trường, đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài, do vướng một số quy định của luật về người nước ngoài không được sở hữu bất động sản mà tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu đa phần là bất động sản.
Ngoài ra, giá bán nợ xấu ra thị trường cũng là vấn đề do đa phần các nhà đầu tư nước ngoài sẽ kỳ vọng vào giá được chiết khấu nhiều, trong khi VAMC chưa chắc muốn bán ở mức giá này. Cách xử lý nợ xấu thông qua VAMC cũng rất đặc biệt.
Theo kinh nghiệm một số nước, chính phủ các nước này phải chi từ 10 - 30% GDP để xử lý nợ xấu. Số vốn này sẽ giúp xử lý dứt điểm nợ xấu. Trong khi đó, VAMC hầu như không cần vốn nhưng vẫn mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt.
Cách làm này sẽ không xử lý dứt điểm được nợ xấu, trừ phi VAMC có thể bán được nợ xấu ra thị trường.
Để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, chúng ta không nên chỉ trông chờ vào VAMC.
Việc áp dụng đầy đủ các yêu cầu của Thông tư 02 sẽ giúp cho chúng ta đối diện với nợ xấu thực tế và tạo áp lực phải giải quyết nợ xấu. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, cách giải quyết nợ xấu tốt nhất là đối diện với thực tế nợ xấu và giải quyết nó.
Còn câu chuyện xử lý sở hữu chéo?
Nhà nước cần kiên quyết xử lý sở hữu chéo. Sở hữu chéo bản chất không hẳn là xấu nếu chúng được minh bạch hóa và các ngân hàng tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật và các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh.
Nguyên nhân của sở hữu chồng chéo tại Việt Nam do quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ trong giai đoạn 2006 - 2009 đẩy cung và cầu tín dụng lên cao và các ngân hàng phải liên kết với nhau để đảm bảo nguồn cung tín dụng.
Ngoài ra, việc hàng loạt ngân hàng nông thôn chuyển lên thành thị phải tăng vốn chủ sở hữu rất nhanh trong thời gian ngắn nên phải liên kết với nhau để tăng vốn nhằm đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu.
Khi xử lý sở hữu chéo, vốn ảo và giá trị tài sản sẽ xẹp nhanh. Giá cổ phiếu của ngân hàng và doanh nghiệp liên quan nhiều khả năng sẽ giảm. Tuy nhiên, đây là cái giá phải trả và là liều thuốc đắng mà chúng ta phải chấp nhận khi xử lý sở hữu chéo.