Tìm được ứng viên cho vị trí thành viên HĐQT độc lập đã khó, để bầu cử thành công tại Đại hội cũng khó không kém

Tìm được ứng viên cho vị trí thành viên HĐQT độc lập đã khó, để bầu cử thành công tại Đại hội cũng khó không kém

Cái khó của doanh nghiệp khi quản trị công ty theo cách mới

(ĐTCK) Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2017 với nhiều thay đổi lớn. DN đang đứng trước những yêu cầu mới, đặc biệt là việc phải có thành viên HĐQT độc lập, hay việc tách bạch chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.

Gian nan tìm thành viên HĐQT độc lập

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco (HUT) cho biết, việc áp dụng Nghị định 71 sẽ tăng cường chất lượng quản trị công ty, giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.

Theo ông Dũng, từ nhiều năm trước, Tasco đã đi tìm một số ứng viên phù hợp vào vị trí thành viên HĐQT độc lập một cách rốt ráo, nhưng chưa có kết quả.

Với Tasco, mong muốn nhất là tìm được một số ứng viên có kiến thức, trải nghiệm và am hiểu về tài chính, marekting để có thể tư vấn, hỗ trợ HĐQT, chứ không phải “đưa người vào cho đủ tiêu chuẩn”. Hiện Tasco đang dành 2 vị trí cho thành viên HĐQT độc lập.

Theo ông Dũng, một điểm khó là thành viên HĐQT độc lập không được là người có liên quan đến cổ đông lớn, lãnh đạo cao cấp của Công ty, khách hàng lớn, tư vấn luật hay kiểm toán của Công ty.

Quy định thì chặt, nên nếu tìm được người phù hợp và đáp ứng đủ các quy định theo luật thì rất tốt, bởi các thành viên HĐQT độc lập thường sẽ có những ý kiến dựa trên lợi ích chung của tất cả cổ đông mà không bị ràng buộc bởi riêng một nhóm cổ đông, tổ chức nào.

Do vậy đảm bảo được tính minh bạch và công bằng hơn. Tuy nhiên, tìm bằng cách nào là câu chuyện gian nan với không chỉ Tasco, mà với lãnh đạo nhiều DN.

Khó đưa “người lạ” vào HĐQT

Nhìn lại mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua sẽ thấy, việc giới thiệu, bầu cử một thành viên HĐQT độc lập mới là không dễ dàng, ngay cả trong trường hợp thuận lợi nhất là có một thành viên cũ xin từ nhiệm, hoặc hết nhiệm kỳ. Lý do là trong HĐQT, mâu thuẫn quyền lợi vẫn đan xen, bởi nhóm cổ đông lớn nào cũng muốn “đưa người” vào vị trí HĐQT độc lập.

Trong khi đó, các cổ đông nhỏ muốn giới thiệu ứng viên vào vị trí này càng không dễ. Theo Luật Doanh nghiệp, các cổ đông nhỏ có quyền dồn phiếu để đề cử thành viên HĐQT, nhưng hiện chưa có quy định cụ thể về việc công ty đại chúng phải cung cấp danh sách cổ đông cho các cổ đông đại chúng cùng nắm thông tin, để họ có thể tìm đến nhau mà... dồn quyền. 

Thống kê trên TTCK hiện nay cho thấy, hiện có khoảng 20% doanh nghiệp niêm yết không có thành viên HĐQT độc lập, 30% công ty không đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 1/3 thành viên HĐQT độc lập.

Chia sẻ trên Đặc san Báo cáo thường niên tốt nhất 2017 mới đây, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, tình trạng các công ty không đáp ứng được quy định về thành viên HĐQT độc lập đã diễn ra trong nhiều năm.

Nguyên nhân là do phần lớn các công ty chưa ý thức được ý nghĩa của việc tham gia của thành viên HĐQT độc lập và cũng không dễ để tìm được người phù hợp. Về lý thuyết, thành viên HĐQT độc lập sẽ gia tăng tinh thần trách nhiệm và minh bạch trong HĐQT, đây là bước cần thiết để thu hút tài trợ vốn bên ngoài.

Do đó, các công ty đều cảm thấy khó khăn, hoặc không cần thiết trong việc tìm kiếm thành viên HĐQT độc lập. Theo bà Đào, sau nhiều năm chưa chính thức bắt buộc, có lẽ đã đến lúc thị trường cần bước chuyển mình bằng việc bổ sung các chế tài để quy định có thể được thực thi nghiêm chỉnh hơn.

Tách bạch Chủ tịch HĐQT với giám đốc

Một trong những điểm nhấn của Nghị định 71/2017 là quy định tại Khoản 2, Điều 12. Theo đó, Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh giám đốc/Tổng giám đốc của cùng một công ty đại chúng. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Cũng theo số liệu từ HOSE, tính đến cuối năm 2016 đã có 76,8% công ty niêm yết tuân thủ nguyên tắc này và số lượng 23,2% công ty còn lại đều thông qua đại hội đồng cổ đông về việc Chủ tịch HĐQT kiêm giữ chức vụ Tổng giám đốc/Giám đốc.

Ngoài ra, tất cả các công ty niêm yết có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trên 50% đều không có sự kiêm nhiệm 2 chức danh này.

Như vậy, số DN có vị trí lãnh đạo kiêm nhiệm hiện hơn 23%. Nhiều nhiều DN đã tìm kiếm các ứng viên cho vị trí Tổng giám đốc, nhưng không dễ dàng.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI từng chia sẻ: “10 năm nay, tôi chưa bao giờ thích làm Tổng giám đốc và vẫn luôn đi tìm một ứng viên cho vị trí này”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Group (NAF) cũng cho biết, trong vòng 2 năm qua, Nafoods đã đi tìm vị trí Tổng giám đốc nhưng vì lĩnh vực hoạt động khá đặc thù, nên không dễ tìm được “thuyền trưởng” mới. Làm cách nào để DN thực thi được nghị định mới về quản trị công ty là câu hỏi đầy trăn trở.                         

Tin bài liên quan