Các sự kiện nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Các sự kiện nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi chỉ số Dow Jones chính thức vượt đỉnh trước khi có dịch Covid-19 trong tuần trước, tuần này giới đầu tư sẽ để ý nhiều hơn diễn biến chỉ số, cũng như triển vọng kinh tế từng khu vực và thế giới.

Dưới đây là 5 sự kiện vĩ mô đáng chú ý trong tuần mà nhà đầu tư không thể bỏ qua.

Bảng lương phi nông nghiệp tháng 8

Giới đầu tư sẽ hồi hộp chờ bảng lương nhóm phi nông nghiệp công bố vào thứ 6 (4/9) trong bối cảnh giới đầu tư đang lo ngại đà hồi phục của thị trường lao đông bị đình trệ, trong những tuần gần đây số đơn xin thất nghiệp đã tăng lên khoảng 1 triệu mỗi tuần.

Các chuyên gia kinh tế dự báo là nền kinh tế Mỹ sẽ có thêm 1,4 triệu việc làm trong tháng 8, giảm so với 1,76 triệu trong tháng 7, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp dự kiến giảm từ 10,2% về 9,8%.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đang suy đoán rằng báo cáo việc làm có thể thấp hơn dự kiến sau khi dữ liệu về niềm tin tiêu dùng kém khả quan gần đây, điều này cho thấy lo lắng về số ca nhiễm dịch Covid-19 tăng và triển vọng việc làm trong thời gian tới.

Báo cáo thấp nghiệp gần đây cho thấy rằng giai đoạn tiếp theo của sự phục hồi ở thị trường lao động sẽ diễn ra chậm hơn nhiều so với kỳ vọng trước đó.

Thông điệp của Fed

Các nhà đầu tư đã biết được thông điệp của Fed trong tuần trước, cụ thể Fed sẽ giữ lãi suất gần bằng 0 ngay cả khi lạm phát tăng cao hơn mục tiêu để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế và tạo thêm việc làm. Tuần này, ba quan chức cấp cao của Fed sẽ đưa thông điệp cụ thể hơn.

Phó Chủ tịch Fed, ông Richard Clarida sẽ có bài phát biểu về khuôn khổ chính sách tiền tệ mới vào thứ Hai (31/08). Ủy viên Hội đồng Thống đốc của Fed, bà Lael Brainard cũng dự kiến sẽ đưa ra nhận xét về khung chính sách mới vào tháng thứ Ba (01/09). Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams sẽ thảo luận chủ đề nền kinh tế và đại dịch Covid-19 vào thứ Tư (02/09).

Sau đó, cuộc họp tiếp theo của Fed dự kiến sẽ diễn ra vào đêm thứ sáu, ngày 15-16/09.

Sự trái chiều giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế

Vào ngày thứ Sáu (28/8), chỉ số S&P 500 đã lập nên đỉnh cao mới khi được hỗ trợ bởi các cổ phiếu công nghệ như Amazon, Microsoft, Apple… Điều này làm nổi bật sự tách rời giữa thị trường chứng khoán tăng vọt và nền kinh tế Mỹ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Với các gói kích cầu đang giảm dần quy mô, những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế đang chậm lại. Các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng tăng trưởng sẽ quay trở lại trong quý III/2020 nhưng sẽ cắt giảm dự báo tăng trưởng cho quý IV/2020.

Chỉ số S&P 500 đang chứng kiến đà tăng mạnh trong tháng 8, đây là mức tăng mạnh nhất trong 34 năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào tháng 9 khi Fed cam kết giữ lãi suất gần 0 ngay cả khi lạm phát tăng nóng.

Đà phục hồi khu vực châu Âu

Lạm phát tại khu vực châu Âu sẽ được công bố vào thứ Ba (01/09) dự kiến sẽ tăng nhẹ trong tháng 8. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp được công bố cùng ngày dự kiến cũng tăng nhẹ.

Dữ liệu về các đơn đặt hàng tại các nhà máy ở Đức dự kiến công bố vào thứ Sáu (04/09) được kỳ vọng diễn ra sự hồi phục chậm trong tháng 7.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng sẽ được biết quan điểm từ một số nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu như Phó Chủ tịch Luis De Guindos, kinh tế trưởng Philip Lane và các thành viện Hội đồng thống đốc khác.

Chỉ báo PMI của Trung Quốc

Báo cáo PMI của Trung Quốc dự kiến sẽ công bố vào thứ Hai và thứ Ba (31/08-01/09), đây là một cuộc kiểm tra sức khỏe về nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Chỉ số PMI tháng 8 được công bố vào ngày thứ Hai (31/9) được dự báo ở mức 51,2, đây cũng là mức tăng cao nhất trong 4 tháng qua. Bên cạnh đó chỉ số PMI Caixin được công bố vào ngày thứ Ba (1/9) được dự báo sẽ giảm xuống còn 52,7 từ mức 52,8 trong tháng 7.

Hoạt động của ngành công nghiệp tại Trung Quốc đang dần trở lại mức như trước khi đại dịch Covid-19 từ đầu năm.

Nhu cầu tăng nhanh, cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư và xuất khẩu tăng mạnh là những yếu tố chính thức đẩy đà phục hồi của Trung Quốc, tuy nhiên sức tiêu thụ nội địa vẫn chưa cho thấy đà hồi phục do người tiêu dùng vẫn thận trọng trong việc chi tiêu.

Tin bài liên quan