Các nhà đầu tư toàn cầu xoay trục từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng vốn toàn cầu đang rời khỏi Trung Quốc để hướng tới các thị trường châu Á mới nổi khác như Ấn Độ và Việt Nam, khi các nhà đầu tư tìm kiếm các giải pháp thay thế với ít rủi ro kinh tế và địa chính trị hơn.
Các nhà đầu tư toàn cầu xoay trục từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam

Lần đầu tiên kể từ năm 2017, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu các thị trường mới nổi châu Á không bao gồm Trung Quốc trong năm qua đã vượt lượng mua ròng cổ phiếu Trung Quốc thông qua chương trình Stock Connect. Theo dữ liệu từ Goldman Sachs, tổng số đó lần lượt là 39 tỷ USD và 32 tỷ USD.

Điều này xảy ra khi các quỹ đầu tư nhắm mục tiêu cụ thể vào các nền kinh tế ngoài Trung Quốc tăng lên với tốc độ kỷ lục.

Sunil Koul, chiến lược gia cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương tại Goldman Sachs cho biết: “Các hoạt động mua ròng của nước ngoài đã tăng mạnh ở khu vực bên ngoài Trung Quốc trong 4 tháng qua”.

Nền kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình phục hồi chậm một cách bất ngờ sau đại dịch, bị cản trở bởi sự sụt giảm của bất động sản và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao. Nhưng tăng trưởng chậm chạp không phải là vấn đề duy nhất.

Hiroshi Matsumoto, thành viên cấp cao tại Pictet Asset Management cho biết, các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu lo lắng về hậu quả của một cuộc xung đột địa chính trị tiềm tàng.

"Có lo ngại rằng tài sản có thể bị đóng băng hoặc trở nên khó bán, giống như những gì đã xảy ra với Nga sau khi xung đột Ukraine. Đầu tư trực tiếp vào chứng khoán Trung Quốc hiện là rủi ro", ông nói.

Các nhà đầu tư tổ chức thường sử dụng Chỉ số Thị trường Mới nổi của MSCI làm thước đo chuẩn. Trung Quốc có tỷ trọng lớn nhất so với bất kỳ thị trường nào trong chỉ số này với khoảng 30%, gần gấp đôi mức 16% của thị trường đứng thứ 2 là Đài Loan (Trung Quốc).

Nhu cầu ngày càng tăng đối với các quỹ dành cho thị trường mới nổi loại bỏ Trung Quốc lặp lại việc "ex-Japan" (ngoại trừ Nhật Bản) đã trở thành một chủ đề phổ biến trong giới đầu tư châu Á sau khi bong bóng kinh tế của nước này đổ vỡ cách đây ba thập kỷ.

Dựa trên dữ liệu từ Morningstar Direct, số lượng cao kỷ lục gồm 8 quỹ ETF và quỹ đầu tư tín thác có từ "ex-China" (ngoại trừ Trung Quốc) đã được thành lập vào năm 2022, tăng từ 3 quỹ vào năm 2021. Có 4 quỹ đã được thành lập trong năm nay.

Tài sản ròng trong iShares MSCI Emerging Market ex-China ETF của BlackRock đã tăng hơn 10 lần trong hai năm rưỡi lên 5 tỷ USD. Quỹ ETF Columbia EM Core ex-China của Columbia Threadneedle Investments đã ghi nhận dòng tiền vào hàng tuần lớn nhất trong 5 ngày tính đến ngày 14/7 ở mức 27 triệu USD.

Trong khi Chỉ số thị trường mới nổi của MSCI đã tăng 9% kể từ cuối năm 2022, thì chỉ số tương đương ngoài Trung Quốc đã tăng 14%. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc chỉ tăng 3%.

Các nhà đầu tư đang hướng đến Ấn Độ như một điểm đến thay thế. Sau khi tăng mạnh kể từ tháng 4, chỉ số Sensex hiện đang dao động trong vùng kỷ lục. Tổng cộng 12,8 tỷ USD vốn nước ngoài đã chảy vào chứng khoán Ấn Độ từ đầu năm tới nay, vượt qua thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc – những thị trường đang nổi lên nhờ chất bán dẫn.

Một phần sức hấp dẫn của Ấn Độ nằm ở kỳ vọng nhu cầu trong nước ngày càng tăng được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy, dân số của nước này tăng cao hơn Trung Quốc vào giữa năm khi đạt khoảng 1,43 tỷ dân, với khoảng cách dự kiến sẽ tăng lên.

Các nhà đầu tư cũng dự đoán các công ty đa quốc gia lớn sẽ chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Nhà sản xuất chip Advanced Micro Devices của Mỹ tuần qua cho biết có kế hoạch đầu tư 400 triệu USD vào nước này trong vòng 5 năm tới, bao gồm cả vào một trung tâm thiết kế mới sẽ là trung tâm lớn nhất của công ty.

Tiền cũng đang chảy vào Việt Nam, thị trường mà MSCI xem là “thị trường cận biên”. Chỉ số VN-Index đã tăng 20% trong năm nay.

“Chi phí lao động thấp và ổn định về mặt chính trị, vì vậy có rất nhiều người quan tâm đến Ấn Độ như một trung tâm sản xuất mới và điểm đến đầu tư thay cho Trung Quốc", Shinichiro Akematsu, chuyên gia phân tích tại Aizawa Securities cho biết.

Nhà sản xuất linh kiện điện tử Hàn Quốc LG Innotek cũng đang đầu tư 1 tỷ USD để đẩy mạnh sản xuất môđun máy ảnh tại thành phố Hải Phòng của Việt Nam.

Dự đoán về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều hơn đã thúc đẩy cổ phiếu của các nhà phát triển khu công nghiệp Kinh Bắc (KBC) và Long Hậu (LHG) lần lượt tăng 36% và 31% kể từ cuối năm ngoái. Cổ phiếu công ty hạ tầng chuyên về kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon (FCN) đã tăng mạnh 80% trong năm nay.

Tin bài liên quan