Các nền kinh tế châu Á trong cuộc đua thế chân Trung Quốc

Các nền kinh tế châu Á trong cuộc đua thế chân Trung Quốc

(ĐTCK) Xung đột thương mại Mỹ - Trung đã làm bùng nổ một “cuộc chiến” khác: Cuộc đua giữa các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á trong mục tiêu thế chân Đại lục trở thành công xưởng của thế giới. Tính tới thời điểm hiện tại, 2 quốc gia đang dẫn đầu trong cuộc đua là Ấn Độ và Indonesia.

Báo cáo mới được công bố của Bloomberg Economics cho thấy, chưa một quốc gia nào có khả năng đạt được thành công như Trung Quốc từng có được khi trở thành công xưởng thế giới và chuyển dịch nền kinh tế.

Thay vào đó, một chuỗi các nền kinh tế “Trung Quốc thu nhỏ” đang hình thành, với nỗ lực tận dụng các cơ hội có được từ thương chiến, nhưng bị kìm chân bởi các trở ngại riêng của mỗi quốc gia liên quan tới cơ sở hạ tầng chưa phát triển hay bất ổn chính trị.

Hệ thống phức tạp tại Trung Quốc bao gồm nhà xưởng, nhà phân phối, dịch vụ vận tải và cơ sở hạ tầng đã phát triển trong một kỷ nguyên khác biệt, khi nhận được nguồn vốn đầu tư và công nghệ từ Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan vào thời điểm các vấn đề như môi trường, quyền lợi người lao động… ít được đề cập và quy định pháp luật chưa nghiêm ngặt.

Bối cảnh đặc biệt đã giúp Trung Quốc có thể thu nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài, tiếp cận thị trường quốc tế và vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Hiện tại, không một nền kinh tế đơn lẻ nào có được vị thế phù hợp để thế chân Trung Quốc. Rất nhiều nền kinh tế có lợi thế chi phí thấp, nhưng tất cả đều thiếu bối cảnh thích hợp, trong khi phải đối diện với những thách thức lớn”, Chang Shu và Justin Jimenez, chiến lược gia của Bloomberg Economics nhận định.

Báo cáo của Bloomberg Economics đã phân tích 10 nền kinh tế châu Á tại 6 yếu tố, từ lực lượng lao động cho tới quy định pháp lý để xác định quốc gia đang phát triển nào có thể chiếm được thị phần sản xuất lớn hơn và được hưởng lợi thực sự từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Theo đó, Ấn Độ đang xếp vị trí thứ nhất nhờ vào ưu thế dân số lớn. Thứ hai là Indonesia và thứ ba là Việt Nam.

Một trong những vấn đề mà các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á phải đối mặt là việc tái thiết lập hệ thống phân phối, tiến hành hoạt động marketing và “phá vỡ” các mối quan hệ đã được xây dựng bởi các nhà sản xuất cỡ vừa và nhỏ tại nhiều thành phố công nghiệp của Trung Quốc.

Chẳng hạn, Quanzhou Kuisheng Craft, nhà sản xuất vật dụng làm vườn và trang trí nhà cửa tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) chứng kiến doanh số bán hàng sang Mỹ giảm sút 30% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế lên các mặt hàng xuất khẩu từ Đại lục.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này không cân nhắc việc chuyển hoạt động sản xuất sang nước ngoài, thay vào đó, Công ty xoay sở hoạt động xuất khẩu bằng cách theo đuổi chiến lược đa dạng thị trường, ví dụ nộp đơn xin cấp bản quyền tại châu Âu để bán hàng tại đây.

“Chi phí lao động rẻ hơn tại Việt Nam, nhưng nền văn hoá sản xuất ở đó rất khác biệt”, Will Huang, giám đốc bán hàng của Quanzhou Kuisheng Craft nói và cho biết, công nhân Trung Quốc có kỹ năng tốt hơn và sẵn sàng làm thêm giờ để hoàn thành đơn hàng, trong khi ở Việt Nam thì không như vậy.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì được những ưu thế lớn, bao gồm chính phủ nắm vai trò lãnh đạo vững vàng, thị trường tiêu dùng nội địa khổng lồ và các mối quan hệ rộng giúp thâm nhập thị trường vốn toàn cầu.

Chưa kể, các nhà sản xuất tại đây đã trải qua quá trình hàng thập kỷ cạnh tranh lẫn nhau, đưa giá cả hàng hoá xuống mức thấp, hiện đại hoá sản xuất và điều chỉnh hiệu quả hệ thống giao thông vận tải.

Chi phí sản xuất tại Trung Quốc đã liên tục giảm kể từ tháng 7 cho tới nay, chủ yếu nhờ giá năng lượng đi xuống, khiến các nhà sản xuất tại nước ngoài khó có thể cạnh tranh.

Hiện tại, Ấn Độ đang tiến gần tới vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới, thay thế Trung Quốc và lực lượng lao động dự kiến đạt 1 tỷ người cho tới năm 2050.

Tuy nhiên, lợi thế nguồn lực lao động chi phí thấp tại đây bị lu mờ bởi các vấn đề khác, bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng chưa cải thiện, quy định lạc hậu về đất đai và lao động, thói quan liêu của hệ thống quản lý.

Mặc dù đã có tiến bộ khi gia tăng 37 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới so với năm 2017, nhưng Ấn Độ vẫn đang đứng thứ 63 trong danh sách, thấp hơn nhiều nếu so với Trung Quốc, thậm chí so với các nền kinh tế khác như Rwanda và Kosovo.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Indonesia. “Đánh bại” Ấn Độ về khía cạnh ổn định vĩ mô, nhưng quốc gia này bị đánh giá thấp bởi cơ sở hạ tầng yếu, hệ thống quy định pháp luật “ngổn ngang”, theo nhận định của chính Thủ tướng Indonesia Joko Widodo.

Tin bài liên quan