Từ 15/8/2016, Thông tư 105/ TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành đã chính thức mở cánh cửa pháp lý cho phép các tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được đầu tư ra nước ngoài. Nhiều nhận định cho rằng, khéo buôn trên thị trường quốc tế có thể kiếm lời lớn, nhưng dường như các nhà đầu tư chuyên nghiệp Việt Nam chưa “để tâm” đến...
Khám phá thị trường toàn cầu, cuộc dạo chơi thú vị
Tại Mỹ, nhiều tổ chức tài chính quốc tế và giới chức tiền tệ như Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ thường nhắc nhở nhà đầu tư về những lợi ích của hoạt động đầu tư quốc tế, trong đó có đa dạng hóa danh mục, giảm thiểu sự bất ổn và tạo khả năng sinh lời tốt.
Theo các tổ chức này, mua cổ phiếu tại thị trường nước ngoài không phải không có rủi ro, nhưng ở đó có đầy sự trải nghiệm thú vị và cả những cơ hội kiếm tiền không nhỏ. Điều được nhắc nhở là nhà đầu tư phải cân nhắc tới các vấn đề như chi phí đầu tư ra nước ngoài, khả năng truy cập thông tin, rủi ro tỷ giá và các vấn đề bất ổn chính trị.
Elle Kaplan, người sáng lập và CEO của Lexion Capital cho biết, nếu phớt lờ cơ hội đầu tư vào các thị trường bên ngoài nước Mỹ, nhà đầu tư có thể đã bỏ lỡ gần một nửa số TTCK có khả năng sinh lời tốt trên thế giới.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với nhà đầu tư tại các quốc gia khác. Các cổ phiếu tại thị trường ngoại quốc có thể cung cấp thêm cơ hội đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro trong khi có cơ hội đạt mức sinh lời khủng.
Theo Altish Davda, CEO EquityZen, việc nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán, trái phiếu, tiền tệ và các tài sản khác tại cùng một thị trường không phải là hoạt động đa dạng hóa đầu tư.
Một thị trường luôn có chu kỳ vận động nhất định và trong thời điểm đi xuống, mọi tài sản đầu tư trong môi trường đó thường cùng đi xuống, dù mức độ khác nhau.
Khi đó, việc đầu tư tại một hoặc một số thị trường khác sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế các tổn thất, đồng thời giữ khả năng kiếm được lợi nhuận.
Gợi mở sự chọn lựa hợp lý
Khi tìm hiểu vì sao nhà đầu tư có xu hướng co gọn rót tiền trong thị trường nội địa, nhà tư vấn tài chính tại Tarfis Wealth Management, Rob Gabridge đã nhận ra rằng, có một băn khoăn chung đó là không đủ nguồn vốn để thêm các chứng khoán quốc tế vào danh mục của mình.
“Nhiều khách hàng của tôi ở trạng thái như vậy, nhưng lời khuyên của tôi là các quỹ đầu tư chỉ số sẽ cung cấp cơ hội tốt để bước đầu tiến hành khám phá thị trường quốc tế đối với các nhà đầu tư nhỏ. Tôi thường khuyến nghị hãy để tâm tới các quỹ chỉ số ở cả thị trường phát triển và đang phát triển”, ông nói.
Thực tế, đầu tư cổ phiếu nước ngoài được xếp vào nhóm “lợi nhuận cao - rủi ro cao” và sẽ luôn là như vậy. Việc có một danh mục đầu tư cân bằng giữa cổ phiếu nội địa và quốc tế là chìa khóa dẫn tới thành công.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng, mọi nhà đầu tư nên cân nhắc việc thêm cổ phiếu nước ngoài vào danh mục. Một danh mục đầu tư cân bằng và đa dạng sẽ bao gồm một số cổ phiếu quốc tế, nhưng không đồng nghĩa với việc loại cổ phiếu này chiếm tỷ trọng lớn. Nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn một lĩnh vực cụ thể, như kim loại quý hoặc năng lượng và chọn cổ phiếu nhóm này làm tâm điểm.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư là cách thức tốt nhất để nhà đầu tư tận hưởng các lợi thế của nền kinh tế toàn cầu. Ngay cả với một TTCK phát triển như Mỹ, nhà đầu tư vẫn cần “khám phá” thêm các thị trường trên thế giới.
Chưa kể, cổ phiếu tại nhiều thị trường nước ngoài hiện đang được định giá rẻ, các quốc gia có chính sách ưu đãi hấp dẫn dành cho nhà đầu tư nước ngoài và khả năng tăng trưởng của thị trường rất tích cực.
Nhận định này được các thành viên Hội đồng Kinh tế Forbes đưa ra không chỉ đáng lắng nghe với nhà đầu tư quốc tế, mà còn đáng suy nghĩ với các tổ chức đầu tư Việt Nam như khối công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm.
Tại Việt Nam, công ty chứng khoán được đầu tư tối đa 30% vốn chủ sở hữu vào chứng khoán quốc tế; công ty quản lý quỹ được đầu tư 20% vốn chủ sở hữu còn các quỹ đầu tư tại Việt Nam được đầu tư 20% giá trị tài sản ròng trên thị trường ngoại.
Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài từ nguồn vốn chủ sở hữu, nhưng tổng số tiền đầu tư gián tiếp ra nước ngoài không được vượt quá giá trị được xác định bằng vốn chủ sở hữu trừ đi số lớn hơn giữa vốn pháp định và biên khả năng thanh toán tối thiểu và số tiền đã đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (nếu có).
Quy định đã mở, nhưng doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng cơ hội “buôn” trên thị trường quốc tế hay chưa, Đầu tư Chứng khoán sẽ tìm hiểu và giới thiệu đến bạn đọc trong các số báo tới.