Reuters đưa tin, chính quyền Brazil ngày 14/5 thông báo nước này có thêm 13.944 ca Covid-19 trong 24 giờ, mức tăng kỷ lục số ca nhiễm mới.
Brazil hiện là vùng dịch lớn nhất Mỹ Latinh với tổng cộng 202.918 ca bệnh kể từ khi dịch bùng phát. Nước này ghi nhận 13.933 trường hợp tử vong vì dịch bệnh, theo Bộ Y tế Brazil.
Tổng thống Bolsonaro trong khi đó tiếp tục lên tiếng về những thiệt hại kinh tế do các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội do chính quyền các bang và địa phương đưa ra nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch.
Ông Bolsonaro đã kêu gọi các doanh nghiệp gây áp lực lên lãnh đạo trung tâm tài chính Brazil Sao Paulo để bang này mở cửa trở lại trong nỗ lực cứu vãn nền kinh tế.
Trong một hội thảo trực tuyến, ông Bolsonaro khuyến khích các lãnh đạo phải “cứng rắn” với Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, người từng tuyên bố ông sẽ không làm theo mệnh lệnh gần nhất của ông Bolsonaro về việc mở cửa lại phòng tập gym và các tiệm làm đẹp.
“Một người đàn ông đang quyết định tương lai của Sao Paulo. Ông ta đang quyết định tương lai của nền kinh tế Brazil. Với toàn bộ sự tôn trọng, quý vị cần kêu gọi thống đốc (mở cửa kinh tế) và phải thật cứng rắn vì đây là vấn đề nghiêm trọng, đây là cuộc chiến. Brazil đang bị đe dọa”, ông Bolsonaro nói với các lãnh đạo doanh nghiệp.
Sao Paulo - bang đông dân nhất Brazil và chiếm 1/3 tổng sản lượng kinh tế của quốc gia Nam Mỹ - đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Các bệnh viện đang hoạt động hết công suất để cứu chữa số ca bệnh ngày càng tăng vọt.
Ông Doria đã kêu gọi người dân ở nhà và ban hành lệnh đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu tới ngày 31/5.
Tuy nhiên, ông Bolsonaro đã có động thái nhằm làm suy yếu các lệnh này khi xếp nhiều loại hình dịch vụ và doanh nghiệp vào nhóm “thiết yếu” để có thể mở cửa trở lại, bao gồm phòng gym và cơ sở làm đẹp.
Ông Doria và 1 trong ít nhất 10 thống đốc tuyên bố rằng họ sẽ không tuân thủ theo mệnh lệnh của ông Bolsonaro.
Trước đó, ông Bolsonaro tuyên bố rằng những ai không đồng ý với mệnh lệnh ông đưa ra có thể nộp đơn kiện ông và ngược lại, ông cũng sẽ kiện những người không làm theo lệnh do ông ký.
Chính phủ Brazil tuần này dự đoán kinh tế Brazil có thể sụt giảm 4,7% vào năm 2020, mức giảm tồi tệ nhất quốc gia Nam Mỹ kể từ ít nhất năm 1900, theo Reuters.
Ông Bolsonaro nói rằng Brazil vẫn còn khả năng cứu vãn và đảo ngược tình hình để tránh sự “hỗn loạn kinh tế” trong vài tháng tới.
“Mọi người sẽ chết chứ? Thật không may mắn, mọi người sẽ chết. Thật không may mắn, dù có phong tỏa hay không, chúng ta vẫn sẽ mất đi những mạng sống. Bây giờ, số lượng người sẽ qua đời do sự hỗn loạn kinh tế vì lệnh phong tỏa sẽ còn lớn hơn (người chết vì dịch)”, ông Bolsonaro nhận định.