69 vị đại biểu đăng ký phát biểu, góp ý về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tếđặc biệt. Điều đó đã cho thấy độ nóng của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, thời gian một buổi chiều chỉ đủ 24 vị đại biểu phát biểu tại hội trường, còn 25 vị chưa kịp nêu quan điểm của mình về Dự thảo Luật.
Tuy vậy, qua ý kiến của 24 đại biểu đã phát biểu và 6 vị đại biểu tranh luận, có thể thấy rất rõ một điều, hầu hết các ý kiến đều tán thành sự cần thiết phải thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đơn vị HCKTĐB) và ban hành Luật.
Rất nhiều ý kiến đồng tình với các nội dung đổi mới, đột phá về thể chế hành chính và chính sách vượt trội được áp dụng tại các đặc khu để chủ động tạo động lực và cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, có tính lan tỏa trong khu vực và cả nước.
Tuy vậy, trước một số ý kiến còn khác nhau của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, cũng đã làm rõ một số nội dung liên quan Dự thảo Luật.
Mô hình mới nên cần triển khai từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm cho rằng, cần xây dựng luật khung chung, quy định các tiêu chí thành lập các đơn vị HCKTĐB, khu vực nào được đạt tiêu chí thì Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập và được hưởng các cơ chế, chính sách quy định tại Luật.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dựa trên Kết luận số 53-KL/TW ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nghiên cứu và lựa chọn kỹ lưỡng trong số 15 KKT ven biển dựa trên hệ thống 10 tiêu chí xác định về vị trí địa lý, quy mô (lớn hơn 40.000 ha), các điều kiện phát triển (kết nối giao thông, có khả năng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực và thu hút đầu tư, các nhà đầu tư chiến lược...) để lựa chọn ra 3 khu vực là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc phát triển theo mô hình đơn vị HCKTĐB.
Cả ba khu vực này đều có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội và có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có tiềm năng phát triển một số ngành, nghề có thể cạnh tranh quốc tế.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tuy kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mô hình này khá đa dạng với nhiều tên gọi khác nhau, như đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, thành phố tự do và được điều chỉnh theo cả luật chung và luật riêng, song đối với Việt Nam, đây là mô hình mới.
“Do vậy, cần triển khai thực hiện từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và với khả năng nguồn lực có hạn, nên phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng cho ba đơn vị HCKTĐB là phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình và cho biết, từ thực tiễn phát triển của các đơn vị HCKTĐB này, sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và có thể nhân rộng những thể chế, chính sách và mô hình quản lý mới, hiệu lực, hiệu quả cho các khu vực khác có đủ điều kiện.
“Việc phát triển 3 đơn vị HCKTĐB này là phù hợp với quy định của Hiến pháp, tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Khóa 5 và Kết luận 21-TB/TW của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Lý do Chính phủ chọn phương án thiết chế Trưởng đơn vị HCKTĐB
Giải trình với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB chính là một trong những vấn đề quan trọng nhất, khó nhất và được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều nhất về tính phù hợp với Hiến pháp và tính đột phá, đổi mới.
“Căn cứ vào tinh thần và lời văn trong các quy định của Hiến pháp, có thể khẳng định cả hai phương án về tổ chức chính quyền đơn vị HCKTĐB đều phù hợp với Hiến pháp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Cụ thể, theo giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Hiến pháp quy định, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính (khoản 1 Điều 111); cấp chính quyền địa phương (gồm có HĐND và UBND) được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị HCKTĐB do luật định (khoản 2 Điều 111).
Và như vậy có nghĩa, Hiến pháp không quy định chính quyền địa phương ở tất cả các đơn vị hành chính, trong đó có đơn vị HCKTĐB đều được tổ chức thành cấp chính quyền địa phương, tức là đều phải có HĐND và UBND.
“Quy định của Hiến pháp về chính quyền địa phương được thiết kế theo hướng mở, tạo không gian cải cách, đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu của phát triển của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.
Và do đó, nếu chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB được xác định là cấp chính quyền địa phương, thì tổ chức chính quyền địa phương ở đó phải có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm của đơn vị HCKTĐB.
Còn trường hợp chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB không được xác định là cấp chính quyền địa phương, thì chính quyền địa phương ở đó có thể được tổ chức khác với chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB được xác định là cấp chính quyền địa phương.
“Kết luận 21-TB/TW của Bộ Chính trị cũng đã xác định cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền đơn vị HCKTĐB do Luật Đơn vị HCKTĐB quy định. Còn Chính phủ đề nghị Quốc hội xác định chính quyền địa phương tại 3 đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc không phải là một cấp chính quyền và ưu tiên lựa chọn phương án chính quyền địa phương gồm thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB, các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính. Phương án này được rất nhiều vị đại biểu Quốc hội tán thành”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có 4 lý do khiến Chính phủ ưu tiên lựa chọn phương án này.
Thứ nhất, phương án này vẫn phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Thứ hai, tạo được sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB.
Thứ ba, bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, nhanh nhạy, hiệu lực, hiệu quả; làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; bảo đảm sự giám sát của các chủ thể có liên quan; phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị HCKTĐB.
Và thứ tư, chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là sự thử nghiệm đổi mới bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương.
“Đối với phương án này, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ cơ chế giám sát, kiểm tra đối với Trưởng đơn vị HCKTĐB. Chúng tôi xin báo cáo, Dự thảo Luật đã quy định khá rõ cơ chế giám sát, kiểm tra của cơ quan dân cử, của nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên đối với Trưởng đơn vị HCKTĐB”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.