Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những chuyển biến rõ nét được dư luận, cộng đồng ghi nhận, khẳng định vai trò của Bộ và ngành Kế hoạch và Đầu tư. Đó là sự thay đổi những cái cũ kỹ, không phải là một bộ quyền lực, chia vốn mà là bộ làm thể chế, làm chiến lược, quy hoạch, làm những vấn đề mới, mang tính dẫn dắt, quyết định đối với nền kinh tế. Cán bộ của Bộ, của ngành đã đổi mới, đi đúng hướng, là cơ quan tham mưu tổng hợp quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng khẳng định những kết quả đạt được của Bộ, của ngành Kế hoạch và Đầu tư và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua có sự góp sức của toàn thể cán bộ các cấp trong Bộ, trong ngành.
“Tôi chân thành cảm ơn toàn thể cán bộ của Bộ, của ngành, từ người đứng đầu đến những người đóng góp âm thầm để đạt được kết quả đó”, Bộ trưởng nói .
Năm 2019, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều việc lớn, mới, phức tạp, nhiều thách thức.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều việc lớn, mới, phức tạp, nhiều thách thức.
Trước hết là việc xây dựng chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thường trực, Bộ trưởng là Tổ trưởng Tổ biên tập. Đây là việc lớn của đất nước.
"Chúng ta đi bằng con đường nào, cách nào, làm sao để đi nhanh hơn, bền vững hơn, tranh thủ được tốt nhất các cơ hội, tránh những bẫy này, bẫy khác, vượt qua các thách thức? Nhiệm vụ đó đòi hỏi từng con người, trong từng lĩnh vực phải liên tục trăn trở, suy nghĩ, đóng góp vào từng kết quả nghiên cứu. Xem trong thực hiện chiến lược 10 năm qua, từng ngành, lĩnh vực đã đạt được gì, chưa đạt gì, vì sao? Từ đó đặt ra những vấn đề gì cho chiến lược 10 năm tới, bóc tách cho kế hoạch 5 năm tới? Có gì đổi mới, sáng tạo, đột phá không? Như Báo cáo Việt Nam 2035 đặt mục tiêu đạt thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 10.000 USD, nhưng chúng ta có dám nghĩ, dám tìm kiếm các đột phá, các nguồn lực để đạt sớm hơn không? Người ta đi nhanh, thì mình có cách nào đi nhanh hơn không, chứ không thể bước từng bước một", Bộ trưởng nêu vấn đề.
Hai là nhiệm vụ xây dựng pháp luật, phải dồn lực cho nhiệm vụ xây dựng thể chế, chiến lược cho đất nước. Bộ có nhiều việc phải làm sắp tới, như trình Luật Đầu tư sửa đổi để giải quyết các vướng mắc trong thực tế; Hoàn thiện Luật PPP dự kiến trình tháng 10/2019. Đây là một luật rất khó, làm sao để huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển, không thể dựa mãi vào ngân sách?
Ba là, phải triển khai hiệu quả Luật Quy hoạch theo hướng lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương phương pháp tích hợp. Làm tầm quốc gia, tích hợp tất cả các quy hoạch vào đó. Từ quy hoạch đó mới bóc tách ra quy hoạch vùng, các tỉnh, các ngành…, đó là việc rất khó, nhưng phải làm cho hiệu quả, vì các quy hoạch cũ khi hết hiệu lực chỉ có thể được gia hạn trong thời gian ngắn, do đó phải đẩy nhanh tiến độ triển khai Luật Quy hoạch để thúc đẩy phát triển.
Bốn là, xây dựng chiến lược về cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4. Chúng ta được giao làm về chiến lược 4.0 dù chúng ta không làm về công nghệ, vì chiến lược 4.0 tác động, là động lực cho toàn bộ nền kinh tế. Đây là cơ hội để chúng ta rút ngắn khoảng cách với các nước, làm bàn đạp, tạo đột phá. Mảng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 3 việc:
Xây dựng Chiến lược 4.0: Phải hoàn chỉnh bước đầu vào tháng 3/2019 để xem xét, cho ý kiến thay vì tháng 9/2019 .
Xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia: Đang lập Đề án, phải tăng tốc, hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng vào cuối tháng 2/2019. Bước đệm là làm hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp, sẽ làm việc với một số đối tác nước ngoài để đưa hệ sinh thái này đi vào vận hành sớm nhất.
Xây dựng Mạng lưới đổi mới sáng tạo, quy tụ toàn bộ các nhà nghiên cứu khoa học người Việt tài năng trên toàn cầu, kết nối với các nhà nghiên cứu trong nước và bạn bè nước ngoài để nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho đất nước. Phải có mốc hoàn thành từng việc cụ thể, thuyết phục. Bộ đang có kế hoạch hợp tác toàn diện với một đầu mối chuyên về trí tuệ nhân tạo người Việt để phát triển nhiều hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nhiều phần việc lớn, quan trọng khác. Mảng ODA, FDI phải có nghiên cứu để điều chỉnh, có những định hướng mới, chính sách, công cụ mới, phù hợp điều kiện phát triển mới, cho hiệu quả hơn nữa. Tập trung thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tập thể, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục các nhiệm vụ trong 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng…Đồng thời, không chỉ thực hiện các nhiệm vụ được giao mà còn phải chú tâm nghiên cứu, tìm hiểu, đóng góp hiệu quả, sát thực vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác mà các bộ, ngành khác gửi lấy ý kiến theo quy định.
Khẳng định một lần nữa, năm 2019, Bộ và ngành kế hoạch và đầu tư có nhiều công việc quan trọng, phức tạp, Bộ trưởng đề nghị từng cán bộ phải thay đổi, phải chủ động suy nghĩ, cống hiến nhiều hơn cho nhiệm vụ chung, cho đất nước, nhất là người đứng đầu, không thể vô cảm với đất nước, với sự phát triển.
“Chúng ta phải duy trì được nhịp, được đà đổi mới, phát triển, tiếp tục tiên phong đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của một cơ quan tham mưu, hoạch định, xây dựng thể chế, chiến lược cho Đảng, Nhà nước. Đoàn kết, trí tuệ và bản lĩnh, chắc chắc chúng ta sẽ đạt được những kết quả tốt hơn nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.