Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Năm 2026 có thể xem xét điều chỉnh lương”

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2026 sẽ đánh giá lại Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, sau đó, tiếp tục thực hiện cho phù hợp. Còn việc có điều chỉnh lương cơ sở hằng năm hay không sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước.

Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội và những vấn đề xung quanh cải cách tiền lương là một trong các nội dung được đại biểu quan tâm.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) nêu tình trạng "thất thoát nhân lực" trong khu vực công với số liệu có năm đến 40.000 cán bộ, công chức, viên chức chuyển từ khu vực công ra ngoài, năm 2023 số này đã giảm đi nhưng vẫn có khoảng 11.000 người. Trong số này có rất nhiều cái công chức, viên chức trình độ cao.

Theo ông Hiếu, như vậy đang có tình trạng thất thoát năng lực từ khu vực công ra ngoài, trong khi việc thu hút nhân tài vào khu vực công cũng có những khó khăn nhất định. Theo báo cáo của một số tỉnh, thành phố, mặc dù đã có chính sách thu hút nhân tài nhưng trong 5 năm không thu hút được một nhân tài nào.

“Khi đặt vấn đề để sinh viên có chất lượng cao vào thì các em, các cháu hỏi ngay mức lương được bao nhiêu. Như bây giờ, mức lương khởi điểm rõ ràng không đủ để thuê nhà ở các thành phố lớn. Thậm chí có những em còn bảo lương một tháng khoảng hơn 5 triệu không mua được một cặp vé xem ca nhạc chứ đừng nói đến chuyện thưởng thức văn hóa nghệ thuật... Với mức lương như thế thì rõ ràng không thể nào thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực nhà nước”, ông Hoàng Minh Hiếu nhìn nhận.

Vị đại biểu Nghệ an cũng dẫn báo cáo cho thấy các đơn vị sự nghiệp công lập rất khó khăn trong thu hút viên chức giỏi. Đây là một trong những vấn đề cần phải suy nghĩ.

Theo ông Hiếu thì có 2 xu hướng chung của sinh viên mới ra trường. Thứ nhất là các em thích ở lại các thành phố lớn - nơi có cơ hội việc làm tốt hơn. Các em cũng thích làm khu vực tư nhiều hơn là khu vực công. Có một báo cáo nghiên cứu gần đây cho biết khoảng 70% sinh viên vừa ra trường có xu hướng thích làm việc ở khu vực tư hơn ở khu vực công. Như vậy sẽ rất khó khăn trong nâng cao chất lượng của khu vực công.

“Có quan điểm cho rằng, một người giỏi làm ở khu vực công với khu vực tư thì đều là đóng góp cho xã hội. Tôi nghĩ quan điểm này là đúng nhưng nếu không coi trọng, chăm sóc khu vực công thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội. Chúng ta xác định thể chế vẫn là “điểm nghẽn”, nếu không có những người có năng lực hoạch định chính sách hoặc hoạch định chưa phù hợp thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội”, ông Hiếu phát biểu.

Một số vị đại biểu khác cũng nêu lại thông tin được Chính phủ đề xuất là năm 2025 không tăng lương khu vực công và lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị Chính phủ xem xét, có thể chưa tăng lương khu vực công nhưng phải tăng lương hưu, tăng trợ giúp an sinh xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công.

Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói, vừa qua, dù khó khăn nhưng Chính phủ đã dành nguồn lực khoảng 700.000 tỷ đồng và như vậy đến năm 2026 là 930.000 tỷ đồng cho điều chỉnh tiền lương.

Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn bất cập và Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát một số đối tượng bất cập trên thực tiễn như nhân viên hành chính sự nghiệp, giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, nhân viên y tế.

"Chúng tôi sẽ rà soát một cách tổng thể để đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho phù hợp theo tinh thần nghị quyết của Trung ương, nhất là kết luận của Bộ Chính trị đã ban hành. Làm sao đảm bảo với những đối tượng mang tính đặc thù cần có sự quan tâm, ưu tiên hơn, đảm bảo được đời sống của họ một cách tốt hơn", bà Phạm Thị Thanh Trà cho hay.

Nhìn tổng thể, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, vừa qua đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, mức tăng lên 50,8%, trong đó, năm nay là 30%. Đây là sự nỗ lực rất lớn.

Người đứng đầu ngành nội vụ cho biết, đến năm 2026 sẽ đánh giá lại Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, sau đó, tiếp tục thực hiện cho phù hợp. Còn việc có điều chỉnh lương cơ sở hằng năm hay không sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước.

“Năm 2025, có thể tạm thời dừng lại và sau đó, điều chỉnh với một số đối tượng ở trên. Còn sang đến năm 2026, chúng ta sẽ tiếp tục có điều chỉnh để nâng cao đời sống người hưởng lương trong khu vực công nhằm đảm bảo tương đồng với yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới", Bội trưởng Bộ Nội vụ thông tin tới đại biểu Quốc hội.

Tin bài liên quan