Chương trình chất vấn trong kỳ họp Quốc hội lần này được coi như xem xét việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ trong suốt nhiệm kỳ vừa qua.
Trong phiên chất vấn ngày 16/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi thẳng thắn, trực diện về những vấn đề đại biểu, cử tri đã phản ánh, các bộ trưởng đã hứa nhưng đến nay chưa có chuyển biến đáng kể, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đáng ngại; cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả thực sự, bộ máy vẫn phình to; hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan; công nghệ hỗ trợ vẫn yếu kém.
Quản lý thị trường còn yếu kém
Trước những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, đây là vấn đề bức xúc, mà cá nhân Bộ trưởng và ngành công thương chưa làm được nhiều.
Trong cuộc họp báo ngày 11/11 của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 168.939 vụ việc vi phạm; số thu nộp ngân sách từ vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 10.120 tỷ đồng; khởi tố hơn 1.000 vụ án hình sự. Trong đó, lực lượng hải quan qua công tác chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện bắt giữ và xử lý 17.853 vụ việc, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng.>> Chi tiết
“Mỗi năm, số vụ gian lận thương mại bị phát hiện tăng lên rất nhiều, nhưng tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa chuyển biến chưa đáng kể. Một lần nữa, chúng tôi xin nhận khuyết điểm”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều, nhưng có nguyên nhân chủ yếu từ khách quan là độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn và đường biên giới thuận lợi khiến hàng lậu dễ dàng vào nước ta. Ngoài ra, còn có lý do là người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý chuộng hàng ngoại, dù kém chất lượng.
Công nghệ hỗ trợ vẫn yếu
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Thân Đức Nam về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, về cơ chế, chính sách, Chính phủ rất quan tâm đến công nghệ hỗ trợ để chủ động sản xuất trong nước, giảm nhập siêu.
“Trong những năm, chúng ta đã làm được một số việc để nâng cao giá trị sản xuất trong nước. Chẳng hạn, trong lĩnh vực dệt may, giá trị sản xuất trong nước đã được nâng từ 20% lên 50%, da giày từ 20% lên 60%. Trong ngành công nghiệp ô tô, với ô tô con dưới 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa mới đạt 10-15%, nhưng xe chở khách thì nội địa hóa đến 60%, thậm chí 80%. Điều đó chứng tỏ chúng ta từng bước phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, chúng ta đã hợp tác với Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc đào tạo, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hạn chế, yếu kém của ngành công nghệ hỗ trợ vẫn còn rất lớn.
ĐTCK sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc chất vấn của Đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và các thành viên Chính phủ.